Gấp rút hoàn thiện cáo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị số 3, số 5

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hai tuyến đường sắt đô thị này sẽ cơ bản giải quyết vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khu vực đô thị trung tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Gap rut hoan thien cao cao nghien cuu tien kha thi du an duong sat do thi so 3, so 5 - Hinh anh 1
Ảnh minh họa

Thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đơn vị hiện đang tiếp tục chỉ đạo các tư vấn và phối hợp với các sở, ngành liên quan trình Chính phủ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai) và tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) ngay trong năm 2020.

Trước đó, ngày 22/4, tại Hội nghị lần thứ 23, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã thông qua chủ trương triển khai 2 dự án này.

Theo đó, đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai có vai trò đặc biệt trong việc hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị giai đoạn đầu tại khu trung tâm TP. Đoạn tuyến này sẽ nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội ở ga Trung tâm (có kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt Quốc gia); kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; tuyến đường sắt đô thị số 4 tại Vành đai 2,5; tuyến đường sắt đô thị số 8 tại vành đai 3 tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị.

Tổng chiều dài đoạn tuyến chính là 8,786 km, trong đó chiều dài đi ngầm là 8,13 km và toàn tuyến có 7 ga ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.752,78 triệu USD (tương đương 40.577 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay ODA và vay ưu đãi là 1.481,49 triệu USD (tương đương 34.297 tỷ đồng); vốn đối ứng trong nước là 271,29 triệu USD (tương đương khoảng 6.280 tỷ đồng) từ nguồn ngân sách TP Hà Nội để chi cho GPMB, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác của dự án. Dự kiến dự án được khởi công từ năm 2022 và hoàn thành vào cuối năm 2028.

Còn đối với tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc), dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Chiều dài toàn tuyến là 38,43 km (6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất) bao gồm 21 ga (trong đó có 6 ga ngầm). Dự án phấn đấu được hoàn thành vào năm 2025.

Sau khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt số 5 hình thành sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến số 2 (đang triển khai thiết kế kỹ thuật), tuyến số 3 (đang được xây dựng), tuyến số 4, số 6 (đang nghiên cứu), tuyến số 7, số 8 (quy hoạch), cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm TP nhằm giảm mật độ đông đúc của giao thông đô thị, cải thiện kết cấu giao thông và điều kiện đi lại của Nhân dân. 

Thủy Nguyễn

Tin liên quan