Theo ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc GTVT thành phố Cần Thơ, tình hình cát làm nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm ở Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long đang rất phức tạp, giá rất cao.
Hiện giá cát khi lập dự toán dao động 200.000 đồng/m3, còn giá thương mại thời điểm này đã trên dưới 300.000 đồng/m3 mà lại rất khan hiếm.
|
Các dự án giao thông do thành phố Cần Thơ đầu tư chỉ mới thu xếp được 30% nhu cầu cát. Ảnh: N.V |
Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho biết, đối với hai dự án cao tốc qua Cần Thơ gồm: cao tốc Bắc - Nam (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) và cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng được cơ chế giao mỏ để khai thác cát.
Đối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau qua Cần Thơ có nhu cầu 800.000m3 cát và hiện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT, chủ đầu tư) đã cân đối đủ nguồn từ các mỏ cát ở An Giang và Đồng Tháp.
Còn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã được cấp một mỏ ở xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) với trữ lượng 2,4 triệu m3 cát. Dự án vẫn còn cần hơn 4 triệu m3 cát nữa.
Đối với các dự án giao thông do thành phố Cần Thơ đầu tư như Vành đai phía Tây, các tuyến đường tỉnh 917, 918, 921, 923 có nhu cầu cát đắp nền khoảng 2,1 triệu m3. Trong đó chỉ riêng Vành đai phía Tây nhu cầu đã gần 1,5 triệu m3.
Các dự án này hiện chỉ mới thu xếp được khoảng 30% nhu cầu cát, số còn lại vẫn đang đi tìm và rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Sở và chủ đầu tư đang triển khai phối hợp với các sở ngành, địa phương trong vùng để xem xét ở những mỏ cát còn lại.
Dự án đường Vành đai phía Tây khởi công từ cuối năm 2022, hiện tiến độ giải phóng mặt bằng đạt trên 50%, tiến độ thi công đạt khoảng 25% khối lượng của dự án.