|
Bộ GTVT còn hơn 20.000 tỷ đồng vốn cần giải ngân từ nay đến cuối năm 2022. |
Kết quả khả quan
Theo thông tin từ Bộ GTVT, tính đến hết tháng 10/2022, cơ quan này dự kiến giải ngân khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước (dự kiến đến hết tháng 10 khoảng 51,34% kế hoạch).
Như vậy, từ nay đến cuối năm 2022, Bộ GTVT còn khoảng 20.194 tỷ đồng (chiếm 40,1%) cần giải ngân. Trong số này, khoảng hơn 6.504 tỷ đồng thuộc về 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2; 3.910 tỷ đồng thuộc về 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1; 2.494 tỷ đồng thuộc về các dự án ODA; 1.514 tỷ đồng của các dự án quan trọng, cấp bách và 5.470 tỷ đồng thuộc nhóm các dự án giao thông còn lại.
Có thể nói, kết quả giải ngân hết tháng 10/2022 của Bộ GTVT vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước, nhưng vẫn chậm so với kế hoạch đề ra khoảng 655 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (66,1%).
Đáng chú ý, thống kê của Bộ GTVT cho thấy, nhóm dự án có kết quả giải ngân chưa đáp ứng được yêu cầu vẫn còn khá nhiều. Cụ thể, tính đến hết tháng 10/2022, có tới hàng chục dự án chậm giải ngân do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong đó, 8 dự án chậm giải ngân công tác GPMB và lựa chọn nhà thầu. Đơn cử như Cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Dự án nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn; Dự án Cầu Rạch Miễu 2...
Tính đến hết tháng 10/2022, khối lượng giải ngân của Ban QLDA Mỹ Thuận đạt 56% kế hoạch vốn được giao (đạt 3.014 tỷ đồng). Khoảng 2.362 tỷ đồng còn lại sẽ được giải ngân 3 tháng cuối năm. Ban QLDA Thăng Long giải ngân được hơn 5.160 tỷ đồng trong ổng số hơn 8.300 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 (đạt hơn 62% kế hoạch).
|
Bên cạnh đó, có 9 dự án chậm giải ngân do tiến độ thi công và 11 dự án giải ngân chậm do hoàn chỉnh hồ sơ nội nghiệp. Tiêu biểu trong số này có các dự án như Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt; dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm; dự án đường cất/ hạ cánh sân bay Nội Bài; Tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau và nâng cấp QL1A qua tỉnh Sóc Trăng; dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ...
|
Đẩy mạnh tiến độ thi công trên công trường vẫn là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. |
Áp lực cuối năm vẫn rất lớn
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá, việc giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại trong những tháng cuối năm là rất áp lực. Để hoàn thành nhiệm vụ trên, đòi hỏi các chủ đầu tư, nhà thầu phải quyết liệt trong tổ chức thi công, lấy cơ sở giải ngân vốn…
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA phải quyết liệt hơn nữa để công tác giải ngân phải có khối lượng chứ không chỉ là tạm ứng. Ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, các chủ đầu tư, ban QLDA hải điều chuyển vốn những dự án có kết quả giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh, xử lý các tồn đọng trong công tác quyết toán các dự án để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn.
Đối với các dự án đang triển khai, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị đặc biệt tập trung thi công 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 có kế hoạch về đích năm 2022; Cục Quản lý đầu tư xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung với trách nhiệm cao nhất, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thủ tục, kịp thời báo cáo vướng mắc, làm rõ xin chủ trương thực hiện, đảm bảo khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 trước ngày 31/12/2022 theo đúng yêu cầu.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, các chủ đầu tư, Ban QLDA đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cấp bách nhằm đẩy mạnh công tác giải ngân. Một trong những giải pháp đó là tiếp tục thúc tiến độ thi công trên các công trường. Điển hình như tại dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1.
Lãnh đạo Ban Điều hành dự án cho biết, trong tháng 10/2022, giá trị các nhà thầu thực hiện đạt tới 307 tỷ đồng, đạt 5,6% giá trị hợp đồng. Đây là con số rất ấn tượng khi biết rằng trước đó giá trị thi công trung bình tại dự án chỉ đạt 170 - 220 tỷ đồng/tháng (khoảng 3% giá trị hợp đồng/tháng).
Các ban QLDA có nhiều dự án bị nhắc tên vì công tác giải ngân chưa đạt yêu cầu cũng đang rất tích cực điều hòa, điều chỉnh vốn giữa các dự án để đẩy mạnh công tác giải ngân hơn nữa. Điển hình nhất là Ban QLDA Mỹ Thuận. Lãnh đạo đơn vị này cho biết, đã chủ động rà soát, báo cáo và được Bộ GTVT chấp thuận điều hòa giảm 350 tỷ đồng từ dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ sang dự án cầu Rạch Miễu 2; giảm 129 tỷ đồng từ dự án cải tạo nâng cấp đường cất/ hạ cánh, đường lăn CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sang dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang.
Tổng giá trị khối lượng xây lắp các dự án giao thông năm 2022 hoàn thành đến nay đạt khoảng 30.445,1/ 57.435,8 tỷ đồng, tương đương 53% giá trị hợp đồng (so với tháng trước đạt thêm 3,8%), vẫn chậm khoảng 3,1%. Trong đó, 4 dự án hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 70,4% so giá trị hợp đồng (so với tháng 9 đạt thêm 2,9%), tuy nhiên vẫn chậm khoảng 4,5%; 4 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 54,4% giá trị hợp đồng (so với tháng 9 đạt thêm 5,1%), đáp ứng kế hoạch; 2 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 21,3% giá trị hợp đồng (so với tháng 9 đạt thêm 4,0%), vẫn chậm khoảng 4,8%. |