Nhà ga bị xâm phạm
Thời gian qua, tại nhiều nhà ga và khu vực xung quanh trên tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội bị chiếm dụng để bán hàng quán, treo biển quảng cáo, tập kết rác thải. Tình trạng này diễn ra thường xuyên gây mất trật tự an toàn vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và cháy nổ.
Mới đây, ngày 3/4, sau giờ làm việc chuyên môn, các đoàn viên thanh niên của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã nhiệt tình tham gia dọn dẹp rác tại khu vực chân các ga trên cao của tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội.
Bên cạnh việc dọn dẹp vệ sinh, Đoàn Thanh niên Ban đã tổ chức hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường qua những biểu ngữ, poster, tài liệu gần gũi, dễ hiểu.
Với việc tuyên truyền đến những người dân xung quanh các nhà ga trên cao, đoàn thanh niên kêu gọi sự tham gia tích cực từ cộng đồng bằng những hành động thiết thực như dọn rác, nhắc nhở mọi người vứt rác đúng nơi quy định, qua đó bảo vệ công trình và đảm bảo môi trường sống. Sau khi được dọn dẹp, hầu hết các nhà ga đã sạch, đẹp.
Dự kiến cuối năm nay, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội sẽ được đưa vào khai thác thương mại. Trong khi các công đoạn cuối cùng đang được gấp rút hoàn thành, một vấn đề được dư luận rất quan tâm là các hạng mục của công trình đường sắt Nhổn – ga Hà Nội đang bị xâm phạm.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã thực hiện cuộc khảo sát tại các nhà ga trên tuyến đường sắt này.
Thực tế cho thấy, chưa đầy 2 tuần sau khi các nhà ga được dọn dẹp, nhiều khu vực của nhà ga lại bị chiếm dụng để kinh doanh buôn bán, tập kết vật liệu, rác thải…
Anh Nguyễn Văn Sơn, trú tại quận Cầu Giấy chia sẻ: “Tình trạng xâm phạm nhà ga đường sắt đã diễn ra suốt thời gian dài. Mặc dù tuyến đường chưa đi vào hoạt động nhưng lối lên xuống, trụ cột cần phải được bảo vệ. Việc chiếm dụng làm nơi kinh doanh biến những nhà ga hiện đại thành xấu xí, không những vậy còn có cảm giác không an toàn khi đi qua những điểm này".
Chị Hà Thị Thùy Linh, trú tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Nhiều người không chỉ chiếm dụng để kinh doanh trà đá, hoa quả mà còn lợi dụng để treo biển quảng cáo, vẽ, in số điện thoại lên trụ đường sắt nhìn rất mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng công trình”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, từ hiện trạng nhiều nhà ga của tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội bị xâm hại trái phép để thành nơi đỗ xe, kinh doanh có thể thấy công tác bảo vệ công trình này, đặc biệt là khu vực phía dưới chân nhà ga không được quan tâm đúng mức.
Vẫn chờ ý thức người dân tự nâng cao
Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Văn Hưng, cán bộ phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở về công tác đảm bảo vệ sinh đối với những hộ dân sống xung quanh nhà ga. Nhiều trường hợp thường xuyên tái vi phạm, bên cạnh đó lực lượng chức năng còn mỏng chưa thể quán xuyến hết địa bàn”.
Ông Trương Văn Hưng thông tin, thời gian tới, phường sẽ phối hợp với chủ đầu tư cũng như lực lượng công an để xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Ông Đỗ Công Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình cho biết: “Tình trạng bày bán hàng hóa, tập kết rác thải phường cũng đã nắm được và đã xây dựng kế hoạch, phối hợp các lực lượng liên quan để xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng rút đi, tình trạng này lại tái diễn”.
Theo ông Đỗ Công Hải, mức phạt đối với các hộ dân còn chưa đủ sức răn đe trong khi ý thức của người dân còn chưa cao. Thời gian tới, phường Ngọc Khánh sẽ tiến hành vận động và đề nghị những người dân sinh sống xung quanh nhà ga ký cam kết. UBND phường cũng sẽ tiếp tục quan tâm, bố trí lực lượng để xử lý theo đúng quy định.
Ông Đỗ Công Hải cho rằng, để giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến trật tự đô thị xung quanh nhà ga đường sắt cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các ngành chức năng có liên quan. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân cần được nâng cao.
Ông Nguyễn Ngọc Thi - Trưởng phòng Quản lý thực hiện dự án 1, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận rất nhiều lần tình trạng lấn chiếm nhà ga để tập kết rác thải, bán hàng quán. Nguyên nhân được xác định là ý thức của người dân chưa cao. Nhiều người vô gia cư, người bán hàng rong chiếm cứ gầm cầu thang để sử dụng vào mục đích riêng. Việc xâm hại này tuy không ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhưng làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và vẻ đẹp của nhà ga. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương có những giải pháp xử lý triệt để tình trạng này”.
Về phía Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cũng đã đề nghị nhà thầu bố trí bảo vệ tại các nhà ga tiến hành nhắc nhở trực tiếp những người dân xâm phạm đến dự án.
Theo chuyên gia xã hội học, thạc sĩ Nguyễn Văn Dương, chờ đợi ý thức người dân được nâng cao là một quá trình dài. Trước tiên cần phải tăng cường công tác bảo vệ để ngăn chặn việc công trình này bị xâm hại, chiếm dụng trái phép.
Ông Nguyễn Văn Dương nhìn nhận, hiện dự án vẫn đang trong giai đoạn chạy thử và việc bảo vệ công trình thuộc về phía chủ đầu tư cũng như Tổng thầu. Bên dưới vỉa hè thuộc phần quản quản lý của địa phương, do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 đơn vị này trong việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân.
Phạm Công - Dương Đạt