Bám sát từng tuyến đường
Thời gian qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã thành lập 4 tổ công tác giúp việc, 1 tổ công tác liên ngành trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT; tổ chức 10 cuộc họp thường kỳ hàng tuần để kịp thời xử lý các tồn tại, bất cập về tổ chức giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT) trên địa bàn TP.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, các tổ công tác đã bám sát địa bàn, rà soát từng tuyến đường, nắm bắt kiến nghị, nguyện vọng của người dân để nghiên cứu, xây dựng phương án tổ chức giao thông tốt nhất cho từng tuyến đường, khu vực. Cụ thể, trong quý I/2025, qua tham mưu đề xuất của các tổ công tác, Sở Xây dựng điều chỉnh tổ chức giao thông tại 68 vị trí, tiếp tục phối hợp với Công an TP, UBND các quận, huyện, thị xã để theo dõi, đánh giá hiệu quả sau thí điểm điều chỉnh để có phương án phù hợp nhất với tình hình thực tế.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội hướng dẫn điều chỉnh tổ chức giao thông. Ảnh: Phạm Công
Trong quý I/2025, Sở Xây dựng đã tiếp nhận tổng số 188 kiến nghị, đề xuất của người dân, địa phương, đơn vị liên quan tới công tác tổ chức giao thông. Đến nay đã kiểm tra hiện trạng và xử lý 135 kiến nghị; thống nhất liên ngành giữ nguyên hiện trạng và tiếp tục theo dõi 28 kiến nghị; đang khảo sát hiện trạng, đánh giá nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý 25 kiến nghị.
Đại diện Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, công tác tổ chức giao thông đang rất được quan tâm, những vị trí bất hợp lý được khảo sát, điều chỉnh nhanh chóng. Đặc biệt công tác phối hợp liên ngành giữa CSGT và các tổ công tác của Sở Xây dựng đã mang đến hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu áp lực giao thông cho khu vực nội thành Hà Nội.
Ông Trần Hữu Bảo cho biết thêm, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra hệ thống cầu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông, đường ngang giao cắt đường sắt, đường thủy nội địa… sửa chữa kịp thời các hư hỏng để bảo đảm giao thông êm thuận, thông suốt. Bổ sung, sửa chữa kịp thời các biển báo, rào chắn, sửa chữa hệ thống đèn tín hiệu giao thông, nhất là trên những tuyến vành đai, đường cao tốc, phố chính có lưu lượng phương tiện cao.
Cụ thể đã duy tu, duy trì, bảo dưỡng 207.909m2 mặt đường bộ; thay thế bổ sung 489 biển báo các loại; sơn, sửa nhà trạm, barie tại 17 điểm đường ngang giao cắt với đường sắt; sửa chữa, thay thế 602 bộ đèn tín hiệu giao thông, 157 tủ, 2.430m cáp điều khiển tín hiệu...
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, công tác tổ chức giao thông Hà Nội đã có những dấu hiệu tích cực rõ rệt. Nhiều khu vực UTGT thường xuyên đã giảm nhiệt như: nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; Ngã Tư Sở; nút Kim Mã - Lê Trực… “Trong bối cảnh nhiều dự án hạ tầng còn dang dở, lượng phương tiện cá nhân quá cao như hiện nay, để tổ chức được giao thông như vậy đã là những nỗ lực rất lớn, hiệu quả và đáng được ghi nhận” - vị chuyên gia này nói.
Đông đảo người dân cho rằng khu vực nội thành Hà Nội vẫn chịu áp lực UTGT rất lớn nhưng công tác tổ chức giao thông và nhất là sự tiếp thu, cầu thị của Sở Xây dựng - cơ quan quản lý ngành GTVT đã có những tín hiệu rất tích cực. Bà Trần Minh Hiền (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: “Nhiều kiến nghị của dân đã được cán bộ giao thông tiếp nhận và giải quyết. Nhưng có những vấn đề vẫn được trả lời là nằm ngoài thẩm quyền, cần báo cáo lên TP. Hy vọng các sở, ngành báo cáo sớm, trung thực để TP có biện pháp mạnh giúp dân”.
Nhiều công trình gây khó khăn lưu thông
Đúng như nhiều ý kiến người dân phản ánh, hiện trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tồn tại nhiều vấn đề trong công tác xây dựng hạ tầng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông. Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong năm 2025, trên địa bàn TP có tổng số 37 điểm, trục tuyến đường UTGT. Trong đó có 20 điểm chuyển tiếp từ năm 2024, 5 điểm và 12 trục tuyến đường ùn tắc phát sinh năm 2025. Sở Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Công an TP và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra hiện trạng, đánh giá nguyên nhân và nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý.
Qua rà soát cho thấy, trong 19 điểm UTGT chuyển tiếp từ năm 2024 có 3 điểm do rào chắn công trình đang thi công; 11 điểm do chậm triển khai công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; 3 điểm cần bổ sung quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản kết cấu hạ tầng giao thông. Đáng nói nhất là những tuyến đường đã bị thu hẹp kéo dài nhiều năm, nhiều tháng như: đường Vũ Trọng Khánh, Thanh Bình, Trần Phú (quận Hà Đông), do thi công chậm trễ hệ thống cống của dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, gây rất nhiều bức xúc cho Nhân dân.
Hay như dự án đường 70, đoạn từ nút Vạn Phúc - Tố Hữu đến đường Lê Quang Đạo, do không đồng bộ năng lực thông hành nên từ khi đưa vào sử dụng đường Lê Quang Đạo kéo dài, UTGT diễn ra thường xuyên, hình thành thêm một trục "điểm đen" ùn tắc, khiến người dân rất chật vật. Hoặc đoạn tuyến từ cầu Bươu đến Phúc La - Văn Phú, do dự án đường Phạm Tu đã nhiều năm chưa hoàn thành nút giao, chưa mở rộng đường Phan Trọng Tuệ nên trở thành nỗi “ám ảnh” với người dân nhiều năm nay.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Công tác tổ chức giao thông đã cho thấy hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên hai vấn đề chính là chậm phát triển hạ tầng và gia tăng phương tiện cá nhân khiến UTGT tại Hà Nội diễn biến phức tạp”. Vị chuyên gia này cho rằng Hà Nội cần tập trung đầu tư, mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là nhanh chóng “thanh toán” các dự án tồn đọng, "điểm đen" do rào chắn trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 10%), làm rõ nguyên nhân, lý do chậm giải ngân và trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan. Đề nghị các sở, ngành, địa phương phối hợp hướng dẫn chủ đầu tư tháo gỡ những vướng mắc của từng dự án.
Kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét thống nhất chủ trương cho phép dừng triển khai để thực hiện quyết toán đối với một số dự án đã kéo dài nhiều năm, bảo đảm nguyên tắc: khối lượng đã hoàn thành từ 95% trở lên; dự án đã gia hạn nhiều lần và kéo dài quá 3 năm so với quy định… có giải pháp tiếp tục hoàn thiện các vướng mắc tồn tại sau khi dừng dự án.
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng tập trung vào các nhiệm vụ như: xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe; lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường… Đặc biệt sẽ tiếp tục bám sát từng tuyến đường, khu vực để tối ưu công tác tổ chức giao thông.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Hữu Bảo
Ngọc Hải