Xin ông cho biết, kết quả triển khai Nghị quyết số 06/2015/NQ - HĐND và Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND với mục tiêu giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn TP?
- Trước hết cần khẳng định, hai Nghị quyết trên có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến GTVT của Thủ đô và đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND ngày 4/7/2017 về thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030” đã được UBND TP Hà Nội cụ thể hóa bằng Kế hoạch 212/KH - UBND ngày 28/9/2017, với 37 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, 7 nhiệm vụ vượt thẩm quyền đã được UBND TP báo cáo lên Chính phủ; 30 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của TP. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP cũng như sự tích cực, chủ động của Sở GTVT, các đơn vị liên quan, tới nay đã có 30 nhóm nhiệm vụ được hoàn thành.
Còn việc thực hiện Nghị quyết số 06/2015/NQ - HĐND ngày 1/12/2015 về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo ATGT trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 đã được gắn với việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 29/6/2016 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về ‘‘Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020", tạo nên nhiều kết quả nổi bật.
Ví dụ như việc duy trì chương trình tuyên truyền về ATGT sâu rộng, thông qua các chủ đề được lựa chọn và phát động hàng năm. Hay ứng dụng công nghệ hiện đại như phần mềm GovOne trong quản lý kết cấu hạ tầng; theo dõi GPS để giám sát trực tuyến toàn bộ các tuyến buýt; lắp đặt hệ thống camera giám sát, quản lý trật tự giao thông đô thị... Từ năm 2016 đến nay, TP đã xử lý được 63 điểm UTGT; tuy nhiên do lưu lượng giao thông tăng nhanh, dẫn đến phát sinh nhiều điểm ùn tắc mới cần tiếp tục xử lý.
Việc triển khai hai Nghị quyết nêu trên còn gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
- Một số nhiệm vụ liên quan đến những vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có tác động đến thói quen sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của rất nhiều người dân trong, ngoài TP và các nhóm lợi ích trong xã hội nên trong quá trình thực hiện còn gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai như việc hạn chế xe cá nhân; thu phí phương tiện vào nội đô... Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ và đồng bộ như quy định về tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy, Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể việc thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải chưa được ban hành…
Trong khi tốc độ phát triển đô thị nhanh, quá trình đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có hạ tầng GTVT lại còn chậm, chưa theo kịp, việc tích tụ dân cư tại các khu đô thị mới cùng với phương tiện giao thông tăng nhanh, vận tải hành khách công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Do vậy, tình trạng UTGT, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường ở một số vị trí trên địa bàn TP vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ cao.
Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi trong giờ cao điểm. Ảnh: Thanh Hải
|
Nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các dự án khớp nối hạ tầng giao thông có vai trò giảm thiểu UTGT còn chậm triển khai do thiếu nguồn lực về vốn; nhiều dự án chưa hoàn thành đúng tiến độ do chậm trong công tác GPMB, từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu chung giảm thiểu UTGT trên địa bàn Thủ đô.
Việc triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý điều hành giao thông chậm. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông và DN vận tải còn hạn chế. Đây là những vấn đề đã được Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII chỉ ra và cần tập trung chỉ đạo giải quyết trong nhiệm kỳ tới.
Cụ thể, các vấn đề đó sẽ được giải quyết bằng biện pháp nào, thưa ông?
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, tình trạng UTGT và ô nhiễm môi trường là một trong những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo ATGT trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025 là hết sức cần thiết. Mục tiêu tổng quát của chương trình là “Huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đảm bảo giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội thuận lợi, an toàn, chất lượng, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, văn minh, hiện đại”. Hướng đến mục tiêu mỗi năm giảm tối thiểu 8 - 10 điểm UTGT; giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% hàng năm trên cả ba tiêu chí; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 30 - 35%; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12 - 15% quỹ đất xây dựng đô thị...
Cùng với đó tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt 6 nhóm giải pháp gồm: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - đây là nhóm giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài; Tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý; Phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tập trung triển khai và sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông; Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Xin cảm ơn ông!
Từ năm 2016 đến tháng 10/2020, lực lượng chức năng TP đã lập biên bản vi phạm giao thông đối với 3.521.123 trường hợp, phạt tiền 1.503,567 tỷ đồng; tạm giữ 114.863 phương tiện, tước giấy phép lái xe 285.465 trường hợp; giải tỏa 8.980 vị trí lấn chiếm hành lang ATGT. |