Cao tốc Bắc – Nam khơi thông điểm nghẽn “vựa lúa” miền Nam
Trong các cuộc họp thúc đẩy loạt dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần quan điểm về tầm quan trọng đặc biệt của hạ tầng giao thông đối với sự phát triển của đất nước. Đó là, “giao thông đi trước mở đường", "đường mở đến đâu, dân giàu đến đó".
|
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận |
Với tổng chiều dài 2.063km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi qua địa phận 32 tỉnh, TP, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, cao tốc Bắc – Nam phía Đông khi được hoàn thành không chỉ góp phần nâng tầm hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ nước ta mà sẽ mang tới một nguồn lực vô cùng to lớn. Sự ra đời của “siêu dự án” này sẽ góp phần quan trọng để nhiều địa phương, vùng đất có thể đánh thức tiềm năng của mình, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai gần. Và, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một ví dụ điển hình.
Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài gần 1.200km, quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến trục ngang tạo thành một mạng lưới kết nối thông suốt giữa các tỉnh thành. Với việc 2 trong 4 dự án giao thông trọng điểm cả nước gồm dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2 được khánh thành cuối tháng 12 vừa qua, nút thắt của hạ tầng giao thông của ĐBSCL đã phần nào được tháo gỡ. Thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 tiếng đồng hồ thay vì 3 tiếng rưỡi như trước đây.
TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, việc các tuyến cao tốc, đặc biệt ở khu vực phía Nam và ĐBSCL được khánh thành trong những ngày cuối năm 2023 đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc chọn vấn đề tạo ra cú hích cho nền kinh tế. "Những dự án giao thông mới được hoàn thành là điều kiện cần cho các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua, tạo ra sức bật kinh tế, đặc biệt là ĐBCSL trước nay mạng lưới đường bộ và cao tốc rất yếu. Vấn đề đặt ra với các địa phương là chủ động có hệ thống giao thông kết nối với các tuyến cao tốc. Phải quy hoạch kinh tế địa phương, kết hợp với kinh tế vùng để tạo ra nguồn hàng hoá để có sức cạnh tranh" – TS Nguyễn Đức Kiên nhận định.
Nền kinh tế sẽ “cất cánh” cùng sân bay Long Thành
Một “siêu dự án” nữa đang mang theo kỳ vọng rất lớn cho nền kinh tế là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo thiết kế, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cảng hàng không đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và là cửa ngõ hàng không lớn, quan trọng của quốc gia và khu vực. Trong đó, giai đoạn 1, có công suất 25 triệu khách, sau đó nâng lên 50 triệu khách vào giai đoạn 2 và giai đoạn 3 là 100 triệu khách sau năm 2030.
Dự kiến trong tương lai, sân bay quốc tế Long Thành sẽ trở thành một trong những hub (điểm kết nối chung) trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh với các sân bay trong khu vực như Changi của Singapore, Suvarnabhumi của Thái Lan…
Một cảng hàng không có quy mô lớn như Long Thành, ngoài việc “chắp cánh” cho sự phát triển của ngành hàng không còn đem lại những lợi ích tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của cả quốc gia. Sân bay Long Thành sẽ gia tăng lợi thế thu hút đầu tư FDI; đồng thời, thúc đẩy du lịch vùng và trở thành cửa ngõ đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách du lịch Việt Nam ra quốc tế. Luồng khách du lịch sẽ đem tới nguồn thu đáng kể cho các hoạt động thương mại, dịch vụ đi kèm đồng thời nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam tới khu vực và quốc tế.
Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả, giá trị gia tăng của đất cao hơn và đặc biệt là giảm chi phí logistics, tăng sự cạnh tranh cho sản phẩm của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, trên thực tế hầu hết những sân bay lớn trên thế giới đều được quy hoạch theo hướng tạo hệ sinh thái đồng bộ. Tương tự, sân bay quốc tế Long Thành với diện tích hơn 5.000ha cũng được quy hoạch dựa theo mô hình này. Trong đó, vùng 1 có bán kính 5 - 10km được quy hoạch thành khu chức năng hỗ trợ, các kho trung chuyển, dịch vụ logistics. Do đó, có thể khẳng định rằng, sự ra đời của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho cả vùng Đông Nam Bộ và các khu vực lân cận.