Gần 40% người chống đối CSGT có nồng độ cồn
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) (Bộ Công an) cho biết, trong quý I/2024, toàn quốc xảy ra 51 vụ chống đối lực lượng CSGT đang thi hành công vụ, trong đó 20 vụ liên quan tài xế sử dụng rượu, bia (chiếm 39,21%). Những vụ chống đối này làm 21 cán bộ CSGT bị thương.
Lực lượng CSGT trực tiếp và phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ 55 đối tượng bàn giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 50 vụ, 54 đối tượng; 1 vụ, 1 đối tượng đang củng cố hồ sơ khởi tố theo quy định.
Các vụ chống đối CSGT tập trung chủ yếu trên đường bộ, xảy ra nhiều tại các đô thị, thành phố lớn như: Hà Nội 8 vụ, Thái Nguyên 8 vụ, Quảng Ninh 6 vụ, Lạng Sơn 4 vụ, Hải Phòng 2 vụ, Nghệ An 3 vụ, Bình Định 3 vụ, trên tuyến cao tốc 3 vụ… Thời gian tập trung từ 13h đến 22h hàng ngày.
Điển hình trong số đó là vụ tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma túy chống người thi hành công vụ tại Quảng Ninh. Cụ thể, sáng 21/2, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp Đội liên ngành số 1, Trạm kiểm tra tải trọng cân Quảng Ninh lập chốt kiểm soát đo nồng độ cồn, ma tuý, cân trọng tải các phương tiện tham gia giao thông đường bộ trên tuyến Quốc lộ 18 (thuộc TP Hạ Long).
Đến khoảng 10h10 cùng ngày, tổ công tác ra tín hiệu dừng phương tiện, hướng dẫn vào làn kiểm soát nồng độ cồn đối với xe ô tô con biển số 23A - 108.00 do Nguyễn Ngọc Giáp (SN 1984, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) điều khiển, lưu thông trên QL18.
Tuy nhiên, lái xe không chấp hành mà quay đầu bỏ chạy. Đại úy Hoàng Minh Đức (cán bộ tổ công tác) đã tiếp cận phương tiện trên để ra tín hiệu dừng lại nhưng bất thành. Nam tài xế sau đó tiếp tục tăng ga, lao thẳng vào Đại úy Hoàng Minh Đức khiến anh ngã ra đường.
Tài xế Giáp sau đó lái xe chạy ngược chiều rồi rẽ phải vào đường Hoàng Quốc Việt (thuộc Phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). CSGT phải sử dụng phương tiện bám theo chiếc xe trên đồng thời sử dụng loa liên tục yêu cầu người cầm lái chấp hành.
Khi đến khu vực phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, lái xe mới được khống chế. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn xác định tài xế này vi phạm ở mức 0,117 mg/l khí thở, đồng thời dương tính với ma túy. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hạ Long đã khởi Nguyễn Ngọc Giáp về hành vi Chống người thi hành công vụ.
Có thể thấy rằng, người vi phạm nồng độ cồn chống đối lực lượng CSGT làm nhiệm vụ ngày càng chiếm tỉ lệ khá cao. Có tính chất nghiêm trọng, dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.
Thay đổi nhận thức xã hội
Tại tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV. Liên quan đến vấn đề có nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn được nhiều người quan tâm và có nhiều ý kiến. Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết, Cục này giữ nguyên quan điểm cần thiết phải cấm tuyệt đối người uống rượu, bia rồi lái xe.
Đại diện Cục CSGT cho biết, những số liệu liên quan đến tai nạn giao thông mà nguyên nhân do sử dụng rượu bia là rất lớn. Không những trong lĩnh vực giao thông, rượu bia còn là nguyên nhân gây ra nhiều hành vi khác như giết người, cố ý gây thương tích...
"Văn hóa ẩm thực Việt Nam có nhiều điểm đặc thù. Mọi người hay đổ cho văn hóa khi bất kỳ cuộc vui nào cũng đều lấy rượu bia làm câu chuyện. Khi bắt đầu uống mà nói rằng uống đến chừng này thì dừng lại vì còn lái xe thì rất khó, trong khi uống nhiều sẽ không kiểm soát được hành vi" - Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh nói.
Đại diện Cục CSGT khẳng định việc kiểm soát nồng độ cồn có ý nghĩa xã hội sâu sắc và đề xuất vẫn giữ phương án cấm tuyệt đối việc tài xế lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia.
Trước những thông tin rằng uống nước hoa quả, siro cũng lên nồng độ cồn, Thượng tá Minh khẳng định nồng độ cồn do nước hoa quả, siro chỉ một thời gian ngắn là hết. Người bị kiểm tra có thể ngồi nghỉ 10 - 15 phút hoặc uống nước và kiểm tra lại. Còn nếu vẫn nghi vấn về kết quả xét nghiệm tại chỗ, đại diện Cục CSGT cho biết người bị kiểm tra có thể yêu cầu đi xét nghiệm máu.
Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương chia sẻ, nhiều người cho rằng, chỉ uống một chút rượu, bia sẽ không thể gây ra tai nạn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, những rối loạn chức năng của cơ thể xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu, bia.
“Quan điểm cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện của Cục CSGT là hoàn toàn phù hợp. Mỗi người có mức độ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh khác nhau sau khi uống rượu, bia. Không ít người sử dụng rất ít bia, rượu hoặc sử dụng nước hoa quả lên men cũng dẫn đến tình trạng thiếu tỉnh táo khó có thể điều khiển phương tiện”.
Việc quy định nồng độ cồn bằng 0 là phù hợp, thể hiện sự chặt chẽ, kịp thời và nghiêm minh, đã đem lại hiệu quả cao, được nhiều người dân ủng hộ. Mọi người hình thành thói quen từ chỗ sợ bị phạt, nay thành tự giác không uống rượu, bia khi lưu hành phương tiện giao thông. Đây là điều đáng mừng. Và thực tế, trong thời gian qua khi triển khai các biện pháp mạnh tay xử phạt trường hợp uống rượu, bia khi tham gia giao thông, các vụ tai nạn do chất cồn gây ra đã giảm hẳn.
“Khi sử dụng rượu, bia người dân cũng không thể biết được uống bao nhiêu là đủ, đúng theo quy định. Như vậy, rất khó để quy định ngưỡng nồng độ cồn phù hợp. Ngoài ra, ở Việt Nam việc nấu rượu vẫn thả nổi, chưa có quy định chặt chẽ về nồng độ cồn nên không thể xác định được uống bao nhiêu thì nằm trong vùng an toàn - thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương
Phạm Công