Thực tế đó cho thấy Hà Nội cần có một kịch bản giao thông chủ động, hiệu quả hơn khi ứng phó với thiên tai cũng như các sự cố bất ngờ.
Ùn tắc và nguy hiểm
Khoảng 15 giờ chiều ngày 6/9, những ảnh hưởng đầu tiên của cơn bão Yagi đã khiến Hà Nội mưa to gió giật mạnh tại một số khu vực. Dường như ngay lập tức, các trường cấp 2, cấp 3 cho học sinh ra về, thông báo cho phụ huynh cấp tiểu học đến đón con em. Nhiều cơ quan, công sở cho cán bộ, công nhân viên nghỉ sớm để tránh bão. Hệ quả là hàng loạt tuyến đường của Hà Nội tắc cứng, có tuyến tắc đến 3 - 4 tiếng đồng hồ.
Đáng nói nhất là trường hợp hai người đi xe máy bị cây đổ đè, dẫn đến 1 tử vong, 1 bị thương nặng tại khu vực phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Ngay chiều tối ngày 6/9, khi về được tới nhà, hàng loạt thanh thiếu niên đã lên mạng xã hội đăng những dòng cảm xúc như: “Phước ba đời mới không chết hôm nay”, hoặc “May mà vẫn về được đến nhà”…
Điều nguy hiểm hơn là sự vô ý của một số trường học trên địa bàn Hà Nội khi để học sinh tự ra về, hoặc yêu cầu phụ huynh đến đón ngay trước khi mưa to, giông lớn. Về nguyên tắc khi có hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa bão, người dân cần ưu tiên hàng đầu tìm chỗ trú ẩn. Đặc biệt các em học sinh còn chưa đủ hiểu biết, kỹ năng để ứng phó với thiên tai, với những tình huống bất ngờ vẫn được “thả” cho tùy tiện chạy ra đường.
Toàn cảnh giao thông hỗn loạn chiều ngày 6/9 đã phản ánh một tồn tại rất lớn của Hà Nội cũng như nhiều đô thị lớn khác, đó là thiếu một kịch bản giao thông cho những tình huống thiên tai hoặc sự cố bất ngờ. Dù bão số 3 còn cách rất xa, một trận mưa to, gió lớn đã khiến hầu hết người dân hoang mang, các cơ quan, trường học mạnh ai nấy làm, đẩy người dân và phương tiện ra đường trong tâm lý lo lắng, vội vàng.
Mặc dù lực lượng chức năng đã nỗ lực hết sức vẫn không thể ngăn được hàng triệu phương tiện như “ong vỡ tổ” đổ ra đường trong cùng một thời điểm, cùng một tâm thế bất chấp tất cả đi cho nhanh. Bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận một yếu điểm của lực lượng quản lý, tổ chức và điều hành giao thông Hà Nội, đó là sự bị động. Chính vì bị động, không có kế hoạch ứng phó nên không chỉ người dân phải lặn lội ùn tắc mà chính các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trên đường cũng chật vật hơn rất nhiều.
Cơn bão số 3 vừa đi qua đã để lại cho Hà Nội những thiệt hại rất lớn về vật chất, môi trường và cả con người. Đó cũng là một bài học về tổ chức giao thông để TP rút ra kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót của mình.
Chủ động tuyệt đối
Với vị trí nằm sâu trong lục địa, ít chịu ảnh hưởng bởi bão tố, việc Hà Nội thiếu kinh nghiệm ứng phó thiên tai là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, điều cần nhất trước tiên là TP phải xây dựng một kịch bản ứng phó, trong đó quy định rõ những việc cần làm và không được làm đối với người dân, các cơ quan, công sở, nhà máy, trường học trong từng trường hợp cụ thể có thiên tai, địch họa…
Cơ quan đầu não chỉ huy những hành động trong cơn bão số 3 vừa qua tại Hà Nội là Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP (gọi tắt là BCĐ) cần được tham mưu đầy đủ từ các đơn vị trực thuộc. Ví dụ như với vấn đề giao thông, CSGT, Công an TP Hà Nội cần chủ động nắm bắt thông tin về bão, đề xuất kế hoạch bảo đảm không chỉ trật tự mà còn phải an toàn cho TP.
Đơn cử như chiều ngày 6/9 vừa qua, nếu có kế hoạch cụ thể, hợp lý, CSGT Hà Nội có thể đề xuất với BCĐ thông báo cho các cơ quan, công sở, trường học cho cán bộ, công nhân viên, học sinh… nghỉ từ trưa thứ 6 để hạn chế cảnh người dân cuống cuồng đi đón con, các em nhỏ dầm mưa, đội gió chạy về nhà. Được nghỉ sớm, chủ động, người dân sẽ không có tâm lý vội vàng, bất chấp khi lưu thông.
Hơn nữa lượng phương tiện đổ ra đường sẽ được phân bổ trong nhiều thời điểm, giảm áp lực cho hạ tầng. CSGT là những người vất vả nhất khi mọi ngả đường ùn tắc do mưa bão. Nên hơn ai hết họ phải là những người nghiên cứu kỹ càng, xây dựng kịch bản lưu thông phù hợp trong những tình huống đột xuất.
Đặc biệt, các trường học cần xem xét lại ngay biện pháp cho học sinh nghỉ đột xuất khi có thiên tai. Thời điểm mưa to, gió lớn là khi các em gặp nhiều nguy hiểm, rủi ro nhất, nhà trường phải bắt buộc các em ở lại tránh trú cho đến khi gia đình có thể tới đón hoặc ngừng mưa lặng gió. Nếu làm được như vậy, chắc chắn giao thông của Hà Nội sẽ không lâm cảnh hỗn loạn như chiều ngày 6/9, khi bão số 3 mới chỉ chớm gây ảnh hưởng.
Sở GTVT cần đưa ra một kế hoạch dự phòng cho tình huống thiên tai lớn, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện vận tải công cộng để phục vụ người dân ngay khi cần thiết. Vận động người dân để lại phương tiện cá nhân tại cơ quan, công sở, sử dụng xe buýt, tàu điện… để về nhà. Có thể tăng tần suất xe, kéo dài thời gian phục vụ, miễn hoặc giảm phí để người dân có thêm sự lựa chọn đi lại khi mưa bão.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần lưu tâm đến một lỗ hổng rất lớn trong kiến thức của người dân đô thị, đó là kỹ năng ứng phó với thiên tai. Trong chiều ngày 6/9, đường phố ùn tắc nguyên nhân chính là do tâm lý lo sợ nên người dân mạnh ai nấy tìm cách di chuyển, bỏ qua mọi quy tắc lưu thông thông thường. Hầu như không một ai có tâm lý tìm nơi tránh trú; thậm chí tối ngày 7/9 khi bão đạt đỉnh gió lớn, vẫn nhiều người đi xe máy ra đường, bất chấp nguy hiểm.
Hà Nội cần có một chương trình tuyên truyền sâu rộng các kỹ năng ứng phó với thiên tai, trong đó có tham gia giao thông khi mưa bão cho người dân, đặc biệt là các em học sinh. Không thể để tiếp diễn tình trạng các em nhỏ lao vào giông bão để tìm đường về nhà, đối diện với những nguy cơ thương vong lớn trong khi nhà trường chính là nơi trú ẩn tốt nhất.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng