Hà Nội đặt mục tiêu có 4 cảng thông quan nội địa trong 5 năm tới

VŨ KHOA
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới của Thủ đô, nhiệm vụ hoàn thành các cảng cạn Cổ Bi, Đức Thượng được đặt ra để đưa vào sử dụng, song song với các cảng cạn đang hoạt động trên địa bàn TP. Thời gian qua, TP đã đốc thúc quyết liệt khi vẫn còn tình trạng chậm triển khai tại 2 dự án này.

Nâng vị thế giao thương

Vốn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, cảng cạn giữ vai trò đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo Chuyên gia giao thông, Tiến sỹ Phan Lê Bình, sự có mặt của các cảng cạng giúp hiện tượng ách tắc hàng hóa hoặc chờ đợi để làm thủ tục sẽ được được giải quyết. Với vai trò tập kết hàng hóa, thông quan nội địa giúp các hoạt động xuất nhập khẩu, logistics được hoạt động tích cực hơn, từ đó thúc đẩy thương mại quốc tế, giúp cho thương gia nội địa tiếp cận thị trường nước ngoài dễ dàng hơn.

Hà Nội vốn có lợi thế về giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa và đường hàng không, kết nối nhanh đến với các cửa khẩu quốc tế như, cảng Hải Phòng, cảng Cái lân, cửa khẩu Móng Cái, cửa khẩu Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai, cửa khẩu Cao bằng, có cảng Hàng không quốc tế Nội Bài ngay trong TP nên thuận tiện cho các DN xuất nhập khẩu hàng hoá và vận chuyển nguyên liệu.

Trong thời gian qua, đánh giá sự quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, TP Hà Nội đã rất chú trọng đến việc xây dựng các trung tâm logistic, hiện nay trên địa bàn TP có 2 cảng cạn đang hoạt động gồm ICD Mỹ Đình và ICD Long Biên.

Trong đó, ICD Mỹ Đình được coi là cảng cạn lớn nhất ở phía Bắc với tổng diện tích 55.000 m2 bao gồm hệ thống kho ngoại quan, kho khai thác hàng lẻ xuất nhập khẩu (CFS), kho lạnh, kho mát, kho sau thông quan, kho hàng không kéo dài, trung tâm chuyển phát nhanh, bãi hàng hóa xuất nhập khẩu.

ICD Long Biên cũng được coi là một cảng lớn của miền Bắc, có năng lực thông quan đến khoảng 135.000 Teus/năm. ICD Long Biên vị trí tại số 1 đường Huỳnh Tấn Phát, khu công nghiệp Sài Đồng B (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) được đánh giá là một cảng cạn có vị trí địa lý đắc địa cách trung tâm Hà Nội 10km, cảng quốc tế Hải Phòng 100km, sân bay quốc tế Nội Bài 26km, biên giới Trung Quốc 126km, có tổng diện tích 120.000 m2, diện tích kho bãi 50.000 m2.

Ha Noi dat muc tieu co 4 cang thong quan noi dia trong 5 nam toi - Hinh anh 1
 Toàn cảnh cảng cạn Long Biên.

Thúc đẩy tiến độ

Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội cũng đưa ra mục tiêu tạo điều kiện tối đa, nâng cao tính cạnh tranh để thu hút DN thực hiện các thủ tục xuất, nhập  khẩu tại Hà Nội. Trong đó, nhiệm vụ hoàn thành các cảng cạn Cổ Bi (Gia Lâm), Đức Thượng (Hoài Đức) được đặt ra ở giai đoạn 2020 – 2025, đảm bảo thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND TP về việc hỗ trợ DN thực hiện thủ tục hải quan trên địa bàn TP.

Đối với dự án cảng cạn tại Cổ Bi, quy mô và thiết kế đồng bộ đáp ứng công suất hàng hóa thông qua cảng 380.000 TEU/năm với đầy đủ hạ tầng hỗ trợ cho các hoạt động của điểm thông quan. Dự án kết nối giao thông khu vực đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai và đảm bảo chỗ làm việc cũng như các thiết bị phục vụ kiểm hoá cho cơ quan Hải quan để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung.

Tuy nhiên, do dự án có dấu hiệu chậm triển khai nên ngày 1/12/2020, UBND TP đã có văn bản yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc triển khai dự án theo đúng quy định và tiến độ đã cam kết. Đồng thời, UBND TP giao các sở, ngành giám sát chặt chẽ việc triển khai dự án, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo những nội dung còn vướng mắc.

Ha Noi dat muc tieu co 4 cang thong quan noi dia trong 5 nam toi - Hinh anh 2
Sơ đồ vị trí cảng cạn tại Cổ Bi.

Theo tìm hiểu của PV, dự án ICD vị trí tại Đức Thượng, Hoài Đức có diện tích 17,74 ha với công suất 151.800 TEU/năm. Tổng diện tích sàn, xây dựng các công trình kiến trúc của dự án là 104.941m2, trong đó có các toà nhà văn phòng của các hãng vận tải, văn phòng làm việc của cơ quan Hải Quan, khu trưng bày hàng hoá xuất nhập khẩu , văn phòng làm việc của các hãng đại lý, kho CFS, kho ngoại quan, kho lạnh , kho thông quan, kho hàng không, kho phân phối…

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.703,9 tỷ đồng, giai đoạn 1 được dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2018 các hạng mục công trình, sân bãi, nhà kiểm hóa, kho ngoại quan, kho CFS, kho lạnh, kho phân phối, văn phòng làm việc, hệ thống an ninh… với diện tích khoảng trên 10ha. Giai đoạn 2 hoàn thành các hạng mục công trình còn lại, kết thúc đầu tư xây dựng đưa toàn bộ dự án vào khai thác sử dụng trong năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 9/2021, dự án vẫn đang còn khó khăn trong khâu GPMB.

Tin liên quan