Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cùng lãnh đạo các sở, ngành TP.
Tham dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn báo cáo tóm tắt về dự án Vành đai 4.
|
Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo tóm tắt về dự án đường Vành đai 4.
Theo đó, tuyến đường Vành đai 3 của Hà Nội tuy cơ bản hoàn thành, nhưng đã quá tải so với thiết kế do nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Bắc, cũng như các tỉnh phía Tây và ngược lại quá cảnh qua Hà Nội hiện chủ yếu đều thông qua tuyến đường này.
“Các cửa ngõ giao thông, đầu mối giao thông ra vào TP Hà Nội; các nút giao giữa các trục hướng tâm với đường Vành đai 3 hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) mà điển hình là khu vực cửa ngõ phía Nam TP” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nói.
Trong bối cảnh đó, Vành đai 4 được xác định là tuyến đường vành đai liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô, giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của TP. Việc đầu tư phát triển tuyến đường này sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề: Phân luồng giao thông từ xa; Tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh trong khu vực Vùng Thủ đô; Tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa Vành đai 3 và Vành đai 4; phát triển chuỗi 5 đô thị vệ tinh, kết nối chùm đô thị TP Hà Nội và các khu vực đô thị, công nghiệp vùng Thủ đô; Tạo điều kiện thuận tiện kết nối giao thông giữa Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.
|
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thông tin, tại Thông báo số 92/TB-VPCP ngày 3/5/2021 của Văn phòng Chính phủ Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo căn cứ tính hiệu quả để tập trung khẩn trương, nghiên cứu, đề xuất triển khai ngay các tuyến đường bộ cao tốc khác có nhu cầu cấp thiết được các địa phương, cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị trong thời gian vừa qua, trong đó có tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội.
Dự án tuyến đường Vành đai 4 đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của các địa phương liên quan. Theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ: “Đây là giấc mơ của nhiều tỉnh, TP từ năm 2005, đến năm 2011 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một bước rất quan trọng để hình thành vùng đô thị phía Bắc”.
Lãnh đạo các tỉnh, TP liên quan đều thồng nhất cùng làm Tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho triển khai dự án đường Vành đai 4 sớm nhằm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội tối đa cho Vùng Thủ đô.
Dự án đường vành đai 4, kết nối Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh: Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km).
Theo phương án cao tốc đi bằng cần nguồn vốn khoảng 105.000 tỷ đồng; theo phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến khoảng 135.000 tỷ đồng (đã bao gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Trong đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, GPMB khoảng 25.000 tỷ đồng.
|