Đây là sự kiện quan trọng chào mừng Đại hội Đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hải Phòng và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ cắt băng khánh thành công trình
|
Dự án tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có tổng mức đầu tư 362,5 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện bằng nguồn ngân sách TP. Thời gian thi công công trình trong vòng 5 tháng.
Dự án có diện tích khoảng 3 ha gồm các hạng mục: Cổng chính rộng 22m kết cấu bằng 4 trụ bê tông cốt thép tượng trưng cho cọc Bạch Đằng; hệ thống tường bao, khung thép, sơn màu xanh hài hòa với cảnh quan thiên nhiên; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có diện tích 360m², 1 tầng theo kiến trúc giả cổ; Nhà mái che khu bảo tồn tại chỗ rộng 2.040m², kết cấu thép, khung giàn không gian, mái lợp bạt PVDF.
Trong phạm vi mặt bằng khu bảo tồn tại chỗ, diện tích 225m², 18 cọc gỗ được mở, xây kè bằng sỏi cuội, chống thấm, ngâm nước bảo vệ cọc gỗ; các cọc còn lại được bảo tồn theo cách lấp đất và phỏng dựng cọc gỗ thay thế lộ thiên phục vụ khách tham quan. Ngoài ra còn có hệ thống sân vườn, thảm cỏ, cây xanh, vườn lim, vườn na, hệ thống chiếu sáng cùng các tiện ích khác như: nhà vệ sinh, nhà bảo vệ…
Tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ có chiều dài 3,488km, nối Quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; chiều rộng nền đường từ 18 - 22m, trong đó mặt đường rộng 12m, vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc rộng 5m lát đá, bãi đỗ xe rộng 1 ha. Dọc tuyến đường bố trí hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh bóng mát như: Xà cừ, đa, bồ đề.
Công trình tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ khánh thành, đưa vào sử dụng nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống của dân tộc trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; Kết nối giao thông giữa các khu di tích dọc theo bờ hữu sông Bạch Đằng; Từng bước hoàn thiện công tác bảo tồn và khai thác các khu di tích lịch sử Bạch Đằng trên địa bàn từ thị trấn Minh Đức đến xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên...