|
Hàng nghìn m2 “đất vàng” của người dân tổ Mặt bằng 4, Phường Sở Dầu, Q. Hồng Bàng, Hải Phòng bị thu hồi để xây dựng nút giao Nam cầu Bính với mức giá 0 đồng. |
“Đất vàng” giá 0 đồng
Theo các hộ dân sinh sống tại tổ Mặt bằng 4, Phường Sở Dầu, Q. Hồng Bàng (Hải Phòng), diện tích đất bị thu hồi, GPMB cho Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông Nam cầu Bính hầu hết được các hộ dân sử dụng từ trước năm 1993, có hộ sử dụng từ năm 1958 (thời điểm sử dụng đất đủ điều kiện công nhận đất ở).
Hơn nữa, hầu hết trên đất đều đã có nhà ở kiên cố, có hộ được cấp phép xây dựng. Do nhiều vấn đề về quy hoạch mà người dân sinh sống tại đây không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên, người dân vẫn đóng thuế sử dụng đất nhiều năm qua, có gia đình đóng thuế đất từ năm 1993 đến thời điểm bị thu hồi.
Tuy nhiên, phía chính quyền địa phương, cụ thể là Trung Tâm phát triển quỹ đất Quận Hồng Bàng khi xác định nguồn gốc, lên phương án bồi thường hỗ trợ lại không căn cứ vào hiện trạng và lịch sử dụng mà chỉ căn cứ vào hồ sơ địa chính (bản đồ và sổ mục kê lập năm 1995) để xác định nguồn gốc đất.
Điều này dẫn đến một kết quả khiến người dân vô cùng bức xúc là hầu hết diện tích đất bị thu hồi đều được xác định là đất do Phường Sở Dầu quản lý hoặc đất đã được thu hồi và bồi thường cho Dự án đường 2A xây dựng năm 2000. Từ đó, hàng nghìn m2 “đất vàng” bị áp giá 0 đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực này đang được xem là “đất vàng” do nằm cạnh với Trung tâm thương mại Vincom và lọt giữa khu đô thị mới sầm uất của Q. Hồng Bàng. Vì vậy, giá đất ở đây có giá thị trường từ 35 - 40 triệu đồng/ m2. Còn theo đơn giá đất quy định hằng năm của TP. Hải Phòng, đất ở khu vực này nếu đã có giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi bị thu hồi sẽ được hỗ trợ hơn 18 triệu đồng/ m2. Vì vậy, người dân vô cùng bức xúc trước vấn đề quyền lợi chính đáng không được giải quyết.
Ông Nguyễn Đình Trung - Tổ trưởng tổ dân phố Mặt bằng 4 (Phường Sở Dầu, Q. Hồng Bàng) cho biết, trong số 63 hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án nút giao Nam cầu Bính, có đến 28 hộ dân đang khiếu nại về các vấn đề thu hồi, bồi thường không thỏa đáng.
Bản thân gia đình ông Trung cũng đang khiếu nại về việc bị thu hồi 45,5m2 nhưng chỉ được hỗ trợ vài m2, số diện tích còn lại cũng bị kiểm đếm, xác định là đất lấn chiếm, đã được đền bù hỗ trợ. Đáng nói, số diện tích đất bị thu hồi đã được cấp phép xây dựng nhà kiên cố, cao tầng từ lâu.
“Tôi không thể hiểu họ kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất như thế nào mà hàng chục hộ dân đã sinh sống ở đây từ trước khi có bản đồ địa chính năm 1995, không có tranh chấp nhưng vẫn bị xác định là đất lấn chiếm. Thu hồi như vậy không khác gì lấy không của người dân. Không ai có thể chấp nhận việc làm sai trái như vậy”, ông Trung nói.
|
Bản đồ đường 2A theo Quyết định số 3484/QĐ-GTVT-KHĐT ngày 21/12/1998 của Bộ Giao thông vận tải cho thấy tuyến đường này chỉ có chiều ngang 18m. |
Đất lấn chiếm vẫn đóng thuế hằng năm
Trong các hộ dân bị thu hồi đất, có gia đình ông Nguyễn Quang Hồng (P. Sở Dầu, Q. Hồng Bàng) bị thu hồi 174,9 m2 đất, tuy nhiên có chỉ được nhận đền bù, hỗ trợ cho 67,9 m, còn 107m2 đất còn lại được xác định đã thu hồi, đền bù GPMB đường 2A năm 2000. Tuy nhiên, thực tế số diện tích bị thu hồi của gia đình ông Quang đã sử dụng ổn định từ trước năm 1995 và đóng thuế nhà đất hàng năm. Ngay cả diện tích được xác định là đất tái lấn chiếm đường 2A cũng được gia đình ông đóng thuế đất hằng năm.
Tương tự, gia đình ông Bùi Hữu Vân (số nhà 8C, đường Hồng Bàng, Phường Sở Dầu) cho biết: Gia đình ông bị thu hồi 332,2 m2, tuy nhiên có đến 238,4 m2 đất bị áp giá 0 đồng với lý do đất đã được thu hồi năm 2000 cho dự án đường 2A.
Tuy nhiên, theo ông Vân, việc xác định nguồn gốc đất như vậy hoàn toàn không chính xác. “Thửa đất của gia đình ông có nguồn gốc sử dụng từ năm 1958. Năm 2000, khi dự án đường 2A triển khai, Sở Giao thông Công chính (nay là Sở Giao thông Vận tải) đã mượn 3m chiều sâu (hơn 230 m2) của gia đình tôi, chứ không phải thu hồi và đền bù và hứa sẽ hoàn trả lại khi dự án kết thúc. Sau khi đường 2A xây dựng xong, gia đình tôi xây dựng nhà cửa, hàng quán kinh doanh, sinh sống ổn định. Thế nhưng, nay thu hồi làm dự án mới lại cho rằng chúng tôi lấn chiếm và thu hồi 0 đồng là không thể chấp nhận được”, ông Vân nói.
Để chứng minh cho việc ở ổn định trên đất, ông Vân còn đưa ra biên lai thu thuế nhà đất năm 1993 với diện tích 360 m2 và biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2017 của Chi cục thuế đối với gia đình ông. “Đất có nguồn gốc rõ ràng, đóng thuế suốt mấy chục năm mà xác định là đất lấn chiếm của Phường Sở Dầu là vi phạm pháp luật, làm mất đi quyền lợi chính đáng của gia đình tôi”, ông Vân nói.
Cũng như hai trường hợp trên, gia đình Gia đình ông Đồng Duy Nhiên (Tổ Mặt bằng 4, Phường Sở Dầu) bị thu hồi 141,5m2 đất ở tuy nhiên, gia đình ông chỉ được nhận đền bù cho 7,1m2 với giá 80.000đ/m2, số diện tích còn lại (134 m2) được áp giá 0 đồng. Lý do được đưa trong phương án bồi thường do Trung Tâm phát triển quỹ đất Quận Hồng Bàng lập là: đất lấn chiếm do phường Sở Dầu quản lý, đã được thu hồi và đền bù GPMB đường 2A năm 2000 nhưng bị lấn chiếm trở lại.
Theo ông Nhiên, thửa đất của gia đình ông có diện tích 400m2 là đất ở do bố mẹ ông khai hoang từ năm 1958, quá trình sử dụng gia đình ông đều đóng thuế cho Nhà nước và không xảy ra tranh chấp với bất kỳ ai. Năm 2000, UBND quận Hồng Bàng thu hồi của gia đình ông 128m2 để làm đường đường 2A. Tuy nhiên, dự án đường 2A đã lấy thêm của gia đình tôi 67m2 nữa nhưng không bồi thường. Chính vì vậy, theo đo đạc hiện tại, diện tích thực tế của tôi còn lại là 205m2.
“Đất ở từ năm 1958 mà “biến hóa” thành đất lấn chiếm, đất không bị thu hồi mà biến thành đất đã thu hồi do Phường quản lý rồi áp giá 0 đồng thì không thể chấp nhận được”, ông Nhiên nói.
|
Nhiều gia đình đã ở ổn định từ trước năm 1995 và đã được cấp phép xây dựng nhà kiên cố nhưng vẫn bị xác định đất lấn chiếm và áp giá 0 đồng khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc. |
Người dân có thật sự lấn chiếm đường 2A?
Như vậy, một trong những lý do khiến hàng nghìn m2 đất của người dân Tổ dân phố Mặt bằng 4 (P. Sở Dầu, Q. Hồng Bàng) bị thu hồi với giá 0 đồng là đất đã được thu hồi và đền bù GPMB thực hiện đường 2A từ năm 2000 nhưng bị các hộ dân đã tái lấn chiếm.
Theo người dân địa phương, để xác định việc đất lấn chiếm, UBND Quận Hồng Bàng đã đưa ra một bình đồ có nội dung 2A có chiều rộng hơn 40 m. Căn cứ vào đó, Q. Hồng Bàng đã đưa ra nhận định về nguồn gốc đất của người dân bị thu hồi có một phần diện tích đã được thu hồi và hỗ trợ GPMB từ năm 2000. Từ đó, Q. Hồng Bàng xác định đất này là đất lấn chiếm và không được bồi thường, hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đường 2A (đoạn nối QL5 phía Nam và QL5 phía Bắc) theo Quyết định số 3484/QĐ-GTVT-KHĐT ngày 21/12/1998 của Bộ Giao thông vận tải quy định chiều dài mặt cắt ngang của mặt đường là 18m, chiều dài mặt cắt ngang của cả nền đường (gồm mặt đường, vỉa hè) là 28m.
Như vậy, việc lấy cơ sở đường 2A có chiều ngang 40 m2 để xác định nguồn gốc đất bị thu hồi là đất lấn chiếm có đúng với thực tế, có đúng với quy định của pháp luật? Phải chăng đã có sự nhầm lẫn trong việc xác định nguồn gốc đất bị thu hồi của chính quyền địa phương?
Nhận định về vấn đề này, Tổ trưởng tổ dân phố Mặt bằng 4 - Nguyễn Đình Trung cho biết: “Ở sự việc này, tôi thấy rằng việc thu hồi đất, GPMB thực hiện dự án nút giao Nam cầu Bính có rất nhiều khuất tất, cần phải làm rõ. Như việc xác định đất thu hồi đất là đất lấn chiếm đường 2A là quá vô lý rồi. Quyết định số 3484/QĐ-GTVT-KHĐT của Bộ Giao thông vận tải đã quy định rõ mặt đường là 18m, chiều dài mặt cắt ngang của cả nền đường là 28m.
Vậy, tại sao Q. Hồng Bàng căn cứ vào đâu để xác định đường 2A có diện tích hơn 40m? Tại sao, sai lệch lớn như vậy? Tại sao Q. Hồng Bàng lại chỉ căn cứ vào một cái Bình Đồ mới kẻ vẽ để làm mất đi quyền lợi chính đáng của người dân?”, ông Trung đặt nghi vấn.
Ông Trung cũng cho biết thêm rằng: “Là người đại diện cho người dân Tổ Mặt bằng 4, tôi đã nhiều lần yêu cầu cung cấp bản vẽ, hồ sơ thiết kế thi công đường để đối chất làm rõ nhưng không lắng nghe, không giải quyết. Chưa làm rõ và còn tranh chấp về vấn đề này nhưng vẫn lập phương án và UBND quận vẫn ra Quyết định phê duyệt phương án bồi thường và tiến hành cưỡng chế là sao? Quyền lợi chính đáng của người dân liệu có được đảm bảo?”, ông Trung bức xúc nói.
Để làm rõ những vấn đề nêu trên, chúng tôi đã liên hệ làm việc với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của TP. Hải Phòng và đang chờ lời giải đáp…