Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm ra quân xây dựng ngay đầu năm

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Những ngày đầu năm 2021, nhiều dự án giao thông lớn đã bắt tay vào việc, đẩy nhanh tiến độ đảm bảo kế hoạch.

Hang loat cong trinh giao thong trong diem ra quan xay dung ngay dau nam - Hinh anh 1
Thi công tại gói thầu XL07, XL08 

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 do Bộ GTVT là chủ đầu tư, Ban QLDA Mỹ Thuận là đơn vị quản lý dự án, được khởi công vào tháng 1/2021, dự kiến hoàn thành trong 24 tháng. Tuyến có tổng chiều dài khoảng 22,97 km, đi qua địa bàn các huyện Bình Tân, Long Hồ, thị xã Bình Minh, TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) và huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp).

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 hiện mặt bằng đã được bàn giao cho đơn vị thi công được 18,3km, trong đó tỉnh Đồng Tháp được 9,3km/10,44km. Riêng các công trình hạ tầng kỹ thuật dự kiến đến tháng 3/2021 sẽ hoàn thành công tác di dời.

Từ ngày 17/2 (mùng 6 Tết), các nhà thầu đã bắt đầu huy động nhân sự và máy móc, triển khai hàng chục mũi thi công. Theo đánh giá, hiện nay các gói thầu đang được đảm bảo đúng tiến độ.

Còn theo đại diện Ban QLDA7 (Bộ GTVT), đơn vị quản lý dự án cầu Mỹ Thuận 2, dự án có điểm đầu nối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối nối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Cầu có chiều dài 6,61km, trong đó cầu chính dài gần 2km và đường dẫn và cầu trên tuyến dài hơn 4,7 km.

Dự án được chia làm 5 gói thầu, hiện nay đang tổ chức triển khai thi công đồng loạt gói thầu XL.01 (đạt 42%), XL.02 (đạt 18%), XL.04 (đạt 25%), còn gói thầu XL.03A đang được các nhà thầu tổ chức 2 mũi thi công ở 2 bờ Tiền Giang, Vĩnh Long. Riêng gói thầu XL.03B (phần thân trụ tháp và dây văng) sẽ triển khai thi công từ tháng 10/2021.

Theo Bộ GTVT, dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ hiện đã được bố trí ngân sách đầy đủ, với trên 10.000 tỷ đồng. Tiến độ đề ra, cầu Mỹ Thuận 2 phải hoàn thành trong 2023, còn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành trong 2022.

Bộ GTVT đánh giá, đây là các dự án trọng điểm tạo động lực phát triển cho vùng Tây Nam Bộ vì sẽ kết nối với TP.HCM khi hoàn thành, sẽ là động lực cho sự phát triển của các tỉnh có dự án đi qua nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Bộ GTVT chọn để tổ chức lễ ra quân dịp Tết Nguyên đán 2021 trong số 26 công trình, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang triển khai trên khắp địa bàn cả nước.

Khởi công gói thầu đầu tiên vào quý III/2019, dự án đặt mục tiêu hoàn thành ít nhất 2/11 gói thầu xây lắp trong tháng 9/2021 và hoàn thành toàn bộ vào tháng 1/2022.

Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), trong năm 2021, ngành GTVT được phân giao khoảng 46.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, cao hơn 10% so với năm 2021, nên nếu các chủ dự án không quyết liệt triển khai sớm thì sẽ dẫn tới “nguy cơ no dồn, đói góp”, đẩy áp lực giải ngân vào cuối năm.

Ngày 19/2, tại lễ ra quân xây dựng các dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh thuộc gói 7.000 tỷ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đây là dự án rất đặc biệt vì rất lâu mới có được nguồn vốn lớn để cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt có tính chất tập trung. Dự án này cũng là kỳ vọng của CBCNV đường sắt trong nhiều năm qua để nâng cao chất lượng hạ tầng, phục vụ khai thác tốt hơn cho vận tải, cũng là tiền đề để Nhà nước, Chính phủ quan tâm bố trí vốn cho cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt trong giai đoạn tiếp theo”.

Vì vậy, 2021 là năm quyết định trong việc thi công, hoàn thành, giải ngân số vốn được bố trí. Thứ trưởng yêu cầu các ban QLDA với vai trò là chủ đầu tư phải tập trung quản lý, chỉ đạo các đơn vị tham gia dự án bám sát tiến độ thực hiện, tổ chức giải ngân theo kế hoạch đã cam kết; tăng cường quản lý các chủ thể, quản lý chất lượng thực hiện dự án.

Các nhà thầu cần huy động nhân lực, thiết bị thi công, đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng, đảm bảo an toàn chạy tàu và an toàn lao động trong quá trình thi công. Tư vấn giám sát kiểm soát chặt chất lượng công trình, đảm bảo an toàn thi công của các nhà thầu.

Sau lễ ra quân, các nhà thầu triển khai thi công ngay gói thầu XL-HNV-01 tại Km74+331 - Km74+581 (khu gian Cầu Họ - Đặng Xá tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM), Km69+800 - Km70+050 (khu gian Bình Lục - Cầu Họ) và gói thầu XL-HNV-02 tại Km103+550 - Km104+000 (khu gian Núi Gôi - Cát Đằng).

Hồ Thanh

Tin liên quan