Trước đó, để giải quyết giảm ùn tắc giao thông, cụ thể hóa quy hoạch vùng, liên kết các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm, kết nối các đô thị vệ tinh, ngay từ tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1278/QĐ-TTg (ban hành ngày 29-7-2011) phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 Thủ đô, quy mô cao tốc 6 làn xe với chiều dài 98km.
Trong đó, đoạn qua Hà Nội có chiều dài khoảng 53,9km; đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài khoảng 18,8km; đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh chiều dài khoảng 21,2km.
Cũng tại quyết định phê duyệt dự án, Chính phủ đã giao các địa phương chủ động huy động nguồn lực để thực hiện đầu tư các đoạn tuyến theo địa giới hành chính các tỉnh, thành phố với mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác trước năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, sau 9 năm, tuyến Vành đai 4 vẫn đang nằm trên giấy, không đáp ứng yêu cầu của quy hoạch.
Tại văn bản báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai đầu tư hệ thống đường Vành đai vùng Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đường Vành đai 4 đến nay mới chỉ có thành phố Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng theo quy định hiện đã dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT.
Các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh chưa lập đề xuất đầu tư dự án. Nguyên nhân chậm trễ là do khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn, trong khi tổng mức đầu tư các dự án lớn; nhiều địa phương chưa chủ động, triển khai lập chủ trương đầu tư, đề xuất dự án đầu tư làm cơ sở xác định, huy động nguồn lực đầu tư.
Để bảo đảm tính đồng bộ, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thực hiện dự án tuyến đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện đầu tư.