Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, ĐSĐT là một phần quan trọng của hệ thống giao thông ở nhiều thành phố trên thế giới.
ĐSĐT là phương thức vận tải quan trọng, cung cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao, năng lực vận tải lớn, ổn định, tin cậy, an toàn, thân thiện môi trường. Nhiều quốc gia đã, đang ưu tiên phát triển ĐSĐT để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông, tai nạn và giảm thiểu lượng phát thải khí CO2 ra môi trường, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm qua, Hà Nội đã tập trung nguồn lực đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, trước những yêu cầu của sự phát triển, tốc độ đô thị hóa, hệ thống giao thông thành phố đang phải đối diện với những áp lực rất lớn do sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cá nhân, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn lực xã hội… Như vậy, việc phát triển ĐSĐT tại Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, là tất yếu của giai đoạn phát triển mới.
Mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã có tờ trình về Đề án tổng thể xây dựng đường sắt đô thị Thủ đô. Đề án nhằm tổng kết tình hình triển khai đầu tư hệ thống ĐSĐT thời gian qua, làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển, các cơ chế chính sách thí điểm, đặc thù để đầu tư phát triển mạng lưới ĐSĐT thành phố Hà Nội. Trong đó xác định mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT tại thành phố Hà Nội vào năm 2035.
Đề án thống nhất nhận thức về vai trò của ĐSĐT, là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng GTVT của thành phố. Phát triển hệ thống ĐSĐT là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới. Phát triển ĐSĐT gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô.
Đồng thời, thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong việc huy động tối đa các nguồn lực phù hợp để tập trung đầu tư, sớm hoàn thành mạng lưới ĐSĐT hiện đại, đồng bộ, bền vững. Trong đó, ngân sách Nhà nước sẽ giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống ĐSĐT giai đoạn đến năm 2035. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT của Thủ đô Hà Nội.
Đề án cũng đặt các mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, triển khai tổ chức thi công xây dựng Tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Triển khai công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư các tuyến ĐSĐT có lộ trình đầu tư trước năm 2030. Hoàn thành xây dựng, trình ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách, đặc thù cho ĐSĐT nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng đồng loạt.
Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8/397,8km (chiếm 24%) các tuyến còn lại đến thời điểm hiện tại của mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô. Đồng thời, triển khai công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư và triển khai thi công xây dựng các tuyến ĐSĐT có lộ trình đầu tư trước năm 2035.
Mục tiêu đến năm 2035, hoàn chỉnh hệ thống ĐSĐT tại thành phố Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô).
Đến năm 2045, hoàn thành các tuyến ĐSĐT dự kiến bổ sung thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh. Ngoài ra, đề xuất cơ chế, chính sách “vượt trội”, “đột phá” để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư nhằm hoàn chỉnh hệ thống ĐSĐT tại thành phố Hà Nội vào năm 2035 theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị.
Trình Bộ Chính trị chấp thuận và Quốc hội thông qua làm cơ sở thực hiện toàn bộ các tuyến thuộc mạng lưới ĐSĐT của thành phố (theo quy hoạch hiện tại, được cập nhật phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô đang được rà soát, điều chỉnh).
Phạm Công