Khẩn trương sửa chữa cầu Thanh Trì để đảm bảo an toàn

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau 17 năm đi vào hoạt động, nhiều hạng mục của cầu Thanh Trì đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông của người dân. Để bảo đảm an toàn khai thác và tuổi thọ của cầu, cần sớm sửa chữa, duy tu các hạng mục cầu.

Nguy hiểm tiềm ẩn

Cầu Thanh Trì được khánh thành và đi vào khai thác từ tháng 2/2007. Cầu Thanh Trì giúp giải tỏa sức ép giao thông đang đè nặng lên cầu Chương Dương (Hà Nội); đồng thời phân bổ và giảm bớt đáng kể lưu lượng xe, nhất là xe tải, lưu thông qua nội thành Hà Nội.

Khan truong sua chua cau Thanh Tri de dam bao an toan - Hinh anh 1

Sau thời gian dài khai thác, cầu Thanh Trì xuất hiện nhiều hư hỏng, cần sớm sửa chữa, bảo trì.

Sau 17 năm đưa vào sử dụng, hiện trên tuyến đã xuất hiện hư hỏng về gối cầu, trụ cầu, khe co giãn. Điều này gây ảnh hưởng đến kết cấu của cầu, tuổi thọ công trình và mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Thông tin từ Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội), toàn bộ 378/378 gối cầu cao su bản thép, 180/198 gối cầu nhịp dầm liên tục đúc trên đà giáo của cầu đã bị phồng, rạn nứt bề mặt. Một số gối cầu đang làm việc ở trạng thái bị nghiêng do chuyển vị của kết cấu nhịp.

Cùng với đó, các khe co giãn cao su trên cầu gặp tình trạng bong bật, cong vênh, hư hỏng. Khi các phương tiện giao thông đi qua, đặc biệt là xe tải trọng lớn gây ra tiếng ồn và không êm thuận trong di chuyển. Tại một số vị trí tiếp giáp với khe co giãn có hiện tượng dồn bê tông, cục bộ tại một số điểm bê tông nhựa bị bong bật khỏi mặt cầu. 

Trên kết cấu nhịp dầm liên tục vượt sông xuất hiện các vết nứt dọc ở sườn dầm, bản nắp và nách dầm. Đặc biệt, các vết nứt ngang ở bản đáy đốt hợp long rất nguy hiểm, liên quan đến khả năng chịu lực và tuổi thọ của kết cấu cầu. 

Đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, nhiều vết nứt đã vượt quá giới hạn cho phép 0,2mm, cần phải tiến hành sửa chữa ngay.

Hiện nay, dải phân cách giữa làn xe cơ giới và làn xe máy thường xuyên bị xô lệch, cong vênh do các phương tiện va chạm. Các trụ cầu, mố cầu cũng xuất hiện những vết nứt. 

Theo đại diện Công ty Cổ phần Công trình giao thông Hà Nội - đơn vị duy tu, bảo trì cầu Thanh Trì, hiện tại tình trạng xuống cấp của các hạng mục chưa gây ra ảnh hưởng lớn đến chất lượng của cầu. Tuy nhiên, để đảm tuổi thọ và năng lực của cầu Thanh Trì, cần sớm tiến hành sửa chữa, chấm dứt các hư hỏng hiện có.

Đảm bảo chất lượng công trình

Cầu Thanh Trì nằm trên tuyến đường Vành đai 3 của Hà Nội, lưu lượng giao thông qua cầu hiện đã gấp khoảng 8 lần so với thiết kế ban đầu. Cây cầu này là tuyến giao thông huyết mạnh với nhiều xe tải trọng lớn, tốc độ lưu thông cũng được quy định khá cao. 

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp của cầu Thanh Trì sau 17 năm đi vào hoạt động. Khi những hư hỏng, xuống cấp không sớm được cải tạo sửa chữa, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi đó, tình trạng ùn tắc trên tuyến giao thông huyết mạch này lại tái diễn.

Trên cơ sở báo cáo kết quả Kiểm định, đánh giá tổng thể tình trạng kỹ thuật các hạng mục mặt cầu, dầm, trụ, gối cầu, khe co giãn của cầu Thanh Trì năm 2023, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất và được UBND thành phố cho phép thực hiện Dự án sửa chữa kết cấu nhịp, gối, trụ đảm bảo an toàn khai thác cầu Thanh Trì.

Dự kiến, tổng kinh phí sửa chữa gần 120 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội, thời gian thực hiện dự án trong năm 2024 đến 2025.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho biết: “Hiện tại cầu Thanh Trì đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, hư hỏng thì phải sớm giải quyết triệt để, ngăn ngừa những ảnh hưởng về lâu dài. Nếu tình trạng này còn tiếp tục xảy ra, có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn”. 

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đã đưa ra phương án thay thế các gối cầu đã hư hỏng bằng kết cấu gối cầu mới có tính năng tương đương để bảo đảm an toàn khai thác; đồng thời tăng cường cáp dự ứng lực ngoài để cân bằng nhịp cầu chính. 

Các trụ cầu xuất hiện vết nứt cũng cần được sửa chữa, gia cường. Cùng với đó là thay thế, sửa chữa các khe co giãn để các phương tiện di chuyển được thuận lợi.

Dải phân cách nửa mềm làm từ bê tông và các thanh sắt cũng được đề xuất thay thế bằng phân cách cứng. Dải phân cách cứng phân làn giữa xe cơ giới và xe thô sơ sẽ giảm thiểu các tai nạn thương tâm khi có va chạm xảy ra trên cầu.

Bên cạnh các giải pháp bảo trì, duy tu để đảm bảo kết cấu, tuổi thọ của cầu Thanh Trì, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông cũng đề xuất bố trí, lắp đặt các camera đo đếm lưu lượng trên cầu để xác định lưu lượng, có phương án tổ chức giao thông, phân luồng phân làn, xử phạt nguội các phương tiện vi phạm.

Ngọc Trang

Tin liên quan