Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện nay đã được sử dụng nhiều năm; các thiết bị, các vật tư chủ yếu như ray, tà vẹt, ghi, phụ kiện hầu hết đã cũ, lạc hậu, chất lượng thấp, nguy cơ mất an toàn công trình đường sắt, vận tải đường sắt.
Tổng Công ty kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất Bộ Tài chính ưu tiên bố trí khoảng 1.295 tỷ đồng để gia cố khẩn cấp một số công trình xung yếu, nguy hiểm.
Trong số này có 500 tỷ đồng gia cố 12 hầm bằng cách sử dụng vòm thép hình, khung chống; 700 tỷ đồng để gia cố 94 cầu bằng cách bổ sung bản táp, thay các thanh kết cấu bị rỉ thủng quá nặng, thay đinh tán bị thối đầu, thay bu lông bị hư hỏng; 95 tỷ đồng để gia cố 14 công trình kiến trúc bằng cách sử dụng hệ thống dầm thép, khung thép để chống đỡ tại các vị trí nguy hiểm.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đây là các công trình cần ưu tiên bố trí vốn trước để xử lý khẩn cấp, tránh xảy ra sự cố như hai vụ sạt lở hầm Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa) và hầm Chí Thạnh (tỉnh Phú Yên) gần đây. Trong đó, chỉ riêng sự cố sạt lở hầm Bãi Gió đã làm ngành đường sắt thiệt hại hơn 50,458 tỉ đồng.
|
Công nhân khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh. |
Tổng Công ty đường sắt cho biết, trong thời gian chờ triển khai các dự án, để đảm bảo an toàn công trình đường sắt, an toàn vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã yêu cầu, chỉ đạo các công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt thường xuyên kiểm tra, theo dõi, trực chốt và chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, máy móc thiết bị để kịp thời ứng phó nếu có các tình huống khẩn cấp.