Dự án Vành đai 3 là cơ hội để phát triển vùng này đúng tầm
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai Dự án Vành đai 3 là cơ hội để phát triển vùng này đúng tầm, giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất về phát triển kinh tế vùng khi hạ tầng giao thông được kết nối. Đây cũng là cơ hội để vùng này phát triển xứng tầm. Vành đai 3 là vành đai công nghiệp trải dài, là cốt lõi để phát triển kinh tế vùng. Việc tắc nghẽn giao thông làm ảnh hưởng rất lớn trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, doanh nghiệp trên địa bàn chịu chi phí logistics lớn nhất, do vậy đây cũng là bước đột phá giúp các doanh nghiệp.
|
TS. Trần Du Lịch "không thể chấp nhận TP Hồ Chí Minh không có đường vành đai mà toàn đường vành khuyên". |
Ông Đỗ Đức Hiển, Đại biểu Quốc hội (QH) - đoàn TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH khóa XV cho rằng: Việc đầu tư đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh không chỉ góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm, mà còn tăng cường sự kết nối giữa các địa phương, rút ngắn quãng đường vận chuyển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà trước hết là các tỉnh có dự án đi qua. Qua đó thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ trong khu vực, tạo nên không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, sức lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2007, tuyến đường Vành đai 3 đã được đưa vào quy hoạch phát triển giao thông của TP và được Thủ tướng phê duyệt. Đến năm 2010, tuyến đường này được xác định xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị.
Theo quy hoạch, đường Vành đai 3 có chức năng kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp của TP Hồ Chí Minh, đồng thời đóng vai trò phân luồng từ xa giúp giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực nội thành của TP Hồ Chí Minh. Việc chưa đầu tư xây dựng tuyến đường này cùng với việc kết cấu hạ tầng của TP trong thời gian qua chưa tương xứng với yêu cầu phát triển đã trở thành điểm nghẽn, dẫn tới tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực, đặc biệt là các cửa ngõ khu vực nội đô.
4 nhóm cơ chế đặc thù cho Dự án Vành đai 3
Hiểu được tầm quan trọng và sự chậm trễ trong việc hoàn thành Dự án Vành đai 3, 4 địa phương gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã thống nhất đề xuất bốn nhóm cơ chế đặc thù kiến nghị QH cho phép áp dụng.
Thứ nhất, các địa phương xin được áp dụng cơ chế đặc thù trong toàn bộ thời gian triển khai dự án chứ không chỉ trong hai năm (2022-2023) như Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
|
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chủ trì đoàn khảo sát thực địa dự án xây dựng đường vành đai 3. |
Thứ hai về nguồn vốn, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai có điều kiện thu ngân sách hơn nên đề xuất mức trung ương bố trí chỉ 50% tổng mức đầu tư ở các dự án thành phần trên địa bàn ba tỉnh này; 75% tổng vốn đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An.
Thứ ba về cơ chế chỉ định thầu, các địa phương đề nghị là áp dụng cho các gói tư vấn, đặc biệt là tư vấn trong thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các gói thầu về xây lắp thì các địa phương hạn chế đến mức thấp nhất chỉ định thầu và phải đấu thầu cơ bản để đảm bảo được tính minh bạch, bình đẳng và hạn chế những tiêu cực.
Thứ tư, xem lại đề xuất tăng công suất khai thác các mỏ cát hiện hành lên 50%. Hiện nay, có những mỏ có thể khai thác tăng lên được 50% nhưng nhiều mỏ không tăng lên được. Theo đó, các địa phương đề xuất theo hướng cho phép điều chỉnh quy hoạch mỏ, quy hoạch sử dụng vật liệu.
Các địa phương còn đề nghị được điều chỉnh các dự án thành phần, theo hướng tăng tổng mức các dự án thành phần nhưng không tăng tổng mức chung của dự án.