Lệch pha trong đầu tư ngành vận tải

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ngày 28/3, Bộ GTVT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả ngành vận tải đường bộ Việt Nam và Chiến lược phát triển bền vững ngành vận tải đường thủy nội địa Việt Nam”. Một trong những vấn đề được các đại biểu nêu ra là sự bất cập trong đầu tư cho ngành vận tải tại Việt Nam hiện nay.

Lech pha trong dau tu nganh van tai - Hinh anh 1
Kẹt xe, tắc đường đang là vấn nạn ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển của ngành giao thông. Ảnh: Thanh Hải 

Chi phí logistics của Việt Nam đang quá cao

Tại hội thảo, bà Yin Yin Lam - chuyên viên cao cấp ngành giao thông vận tải thuộc WB đưa ra quan điểm, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều rất chú trọng đến chi phí logistics. Đây được coi là yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và với hệ thống đường bộ. Bà Yin Yin Lam cho rằng, chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của hoạt động xuất khẩu, làm tăng chi phí hàng hóa tiêu dùng. 

Chuyên gia đến từ WB đưa ra số liệu nghiên cứu cho thấy, vận tải đường bộ của Việt Nam hiện chiếm khoảng 77% tổng lượng vận chuyển hàng hóa của cả nước. Trong khi đó, chi phí logistics ở Việt Nam chiếm gần 21% tổng GDP. Đây là con số cao hơn nhiều so với hầu hết các nước trong khu vực. Từ hiện trạng trên, chuyên gia của WB khuyến cáo, ngành vận tải đường bộ của Việt Nam muốn tăng cường được hiệu quả cần phải xử lý được vấn nạn tắc nghẽn giao thông hiện nay.

Cách làm thông thường là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các tuyến đường giao thông. Bên cạnh đó, cần khai thác tiềm năng lớn từ vận tải thủy nội địa, xúc tiến mạnh hơn nữa việc phát triển vận tải ven biển trên tuyến đường Bắc – Nam. “Ngoài ra, có thể tiến tới tích hợp các trung tâm logistics và trung tâm đô thị trong quy hoạch cảng container nội địa” – bà Yin Yin Lam cho biết.

Nâng công suất cảng sông

 Bày tỏ quan điểm đồng thuận với ý kiến của chuyên gia đến từ WB, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định rất ấn tượng với những khuyến cáo về tập trung vào thay đổi các thể chế, cơ cấu tổ chức của ngành đường thủy cũng như các dịch vụ liên quan. “Chúng tôi thấy rằng đầu tư phát triển cho đường thủy nội địa một đồng thì có thể mang lại lợi ích hơn so với việc đầu tư nhiều đồng cho đường bộ. Qua kết quả nghiên cứu, một giai đoạn dài đầu tư cho đường bộ chiếm tới 90% ngân sách đầu tư cho ngành giao thông trong khi đó đầu tư cho đường thủy nội địa chỉ 1 - 2% nhưng hiệu quả của đường thủy nội địa mang lại là rất lớn” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Nói về định hướng để hiện thực hóa kế hoạch đầu tư cho vận tải thủy nội địa trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đầu tiên cần phải có chính sách điều tiết ngân sách, đầu tư nhiều hơn cho đường thủy nội địa bằng cách nạo vét một số tuyến đường chính, nâng khả năng vận tải. Trên thực tế, hiện nay đa số các tuyến đường thủy nội địa chỉ đảm bảo cho tàu có trọng tải khoảng 300 tấn.

Bộ trưởng Bộ GTVT tin tưởng, nếu thực hiện được việc nạo vét luồng lạch sông hoàn toàn có thể nâng công suất cho tàu tải trọng lên 1.000 tấn như các nước phát triển. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, để có thể hiện thực hóa được kế hoạch đó, cần nghiên cứu kỹ bài toán về vốn. Hạng mục nạo vét các tuyến đường thủy thì sử dụng ngân sách của Nhà nước, còn các công trình cảng có thể đem lại lợi nhuận cao thì huy động đầu tư theo hình thức xã hội hóa. “Nếu tích hợp được nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn tư nhân, khơi thông được luồng lạch thì chúng ta sẽ tạo được động lực để vận tải thủy phát triển” – Bộ trưởng  Nguyễn Văn Thể nói.

Tin liên quan