Mở rộng cao tốc đoạn TP Hồ Chí Minh -Long Thành là vấn đề cấp thiết

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về Phương án đầu tư mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Mo rong cao toc doan TP Ho Chi Minh -Long Thanh la van de cap thiet - Hinh anh 1
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo: Việc mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là vấn đề cấp thiết.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là vấn đề cấp thiết để đồng bộ các công trình hạ tầng giao thông trong khu vực theo quy hoạch như hệ thống đường kết nối nối vùng, đường cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, cảng biển,… Tuy nhiên, việc triển khai thời gian qua của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan còn chậm, chưa có kết quả cụ thể. Đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan cần nghiêm túc triển khai nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao khẩn trương, hiệu quả hơn nữa. Nhiệm vụ quan trọng thời điểm này là sớm lựa chọn phương án đầu tư phù hợp nhất để triển khai các bước tiếp theo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC):

Thứ nhất, cần đánh giá mô hình hoạt động của VEC, kiện toàn mô hình cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu VEC, trình cấp có thẩm quyền tăng vốn điều lệ cho VEC để bổ sung năng lực theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Thứ hai, trên cơ sở cân nhắc thực trạng VEC là đơn vị đã thực hiện đầu tư và đang tổ chức thu phí tuyến đường nêu trên; bên cạnh đó, hiện nay VEC đang thực hiện chủ trương hòa chung dòng tiền 05 dự án do VEC làm chủ đầu tư; đồng thời, khẳng định VEC có đủ năng lực thì có thể xem xét, đề xuất phương án giao VEC thực hiện đầu tư.

Để có cơ sở xem xét, quyết định việc giao VEC làm chủ đầu tư, trước mắt, đồng ý giao VEC lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định. Trong đó, lưu ý một số vấn đề sau:

1- Nghiên cứu phương án nguồn vốn hỗn hợp: VEC thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư công trình; ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công.

2- Quy mô đầu tư cần thực hiện theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3- Khẳng định rõ 3 vấn đề để bảo đảm an toàn, khả thi về phương án tài chính, gồm: tăng vốn điều lệ cho VEC; khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ; hòa chung dòng tiền 05 dự án do VEC làm chủ đầu tư.

4- Trong dự án đầu tư làm rõ mối quan hệ của phương án tài chính đối với 4 dự án còn lại.

5- Làm rõ trình tự, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với từng nội dung theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC trong thời gian tối đa 3 tháng phải hoàn thành các nội dung là điều kiện để xem xét giao VEC làm chủ đầu tư; trong thời gian tối đa 6 tháng phải hoàn thành, trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành các nội dung điều kiện nêu trên của VEC bảo đảm yêu cầu tiến độ, kịp thời báo cáo đề xuất ngay Phó Thủ tướng các vướng mắc, chậm trễ, không khả thi, không bảo đảm tiến độ và phương án triển khai. Tuyệt đối không để việc vướng mắc trong xử lý các vấn đề của VEC làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Ngọc Châu

Tin liên quan