Chủ yếu là thanh thiếu niên
Tại Hội nghị Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác “Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” của Công an TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả, được lãnh đạo Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các đối tượng thông qua mạng xã hội để “kêu gọi” giải quyết các vấn đề mâu thuẫn. Từ các mâu thuẫn rất nhỏ đã lôi kéo nhiều đối tượng thanh thiếu niên tụ tập thành những nhóm đông, điều khiển xe mô tô chạy thành đoàn, lạng lách đánh võng, mang theo hung khí đuổi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, gây bức xúc trong Nhân dân.
|
Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” của Công an TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả. |
Với những kết quả trên, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, CATP Hà Nội đã điều tra, xử lý đối với 99 vụ, làm rõ 1.458 đối tượng, trong đó có 3 vụ với 31 đối tượng có hành vi điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng, di chuyển tốc độ cao; xử lý hình sự 19 đối tượng.
Qua nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vụ việc, vụ án phạm tội đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, CATP bước đầu đã nhận diện được đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Trong đó, chiếm 99,7% đối tượng là nam giới; 34,8% đối tượng vi phạm dưới 16 tuổi, 46% từ đủ 16 đến dưới 18.
Đáng chú ý, chiếm 38,5% đối tượng là học sinh, chủ yếu là học sinh cấp 3. Chiếm 23,5% là học sinh đã bỏ học. Trong số này, chiếm 96,2%, tương đương với 1.402 đối tượng chưa có tiền án, tiền sự. Cũng theo thống kê, chiếm tỷ lệ khoảng 84% các vụ xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân từ trước, sau đó các đối tượng lên mạng xã hội Facebook chửi bới, thách thức nhau.
Qua công tác nắm tình hình và thực tế điều tra các vụ án xác định các địa điểm, tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng chủ yếu tại 16 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân, Thanh Oai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên.
Quyết liệt xử lý
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an cho biết tại Hội nghị Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác “Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng”: “Khi nắm được thông tin các vụ việc, cần gọi hỏi, răn đe đối tượng cầm đầu; phải phân hóa, cô lập các đối tượng này để tránh bị tổn thương và không phát sinh các vụ việc. Ngoài ra, thay vì dùng giải pháp trực tiếp, cần dẫn dụ các nhóm thanh thiếu niên có biểu hiện đua xe và cổ vũ đua xe trái phép vào “trận địa” lực lượng chức năng đã lên phương án và chặn giữ”.
Theo Đại tá Phạm Quang Huy, Cục CSGT cũng đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc nói chung và Phòng CSGT Hà Nội nói riêng, cần có sự phối hợp liên tuyến giữa các địa bàn để xử lý, báo cáo Bộ Công an thông qua việc triển khai lực lượng hóa trang kết hợp công khai để ngăn chặn các nhóm đối tượng có biểu hiện đua xe, cổ vũ đua xe trái phép.
|
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Hội nghị Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác “Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng”. |
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm trong thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội yêu cầu: “Phòng Cảnh sát hình sự phải thể hiện vai trò “Tư lệnh”, “đầu tàu”, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện chuyên đề và các kế hoạch phòng, chống tội phạm nêu trên. Có lộ trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, bài bản; phân công tổ công tác thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm soát ban đêm tại các tuyến, địa bàn trọng điểm để chủ động phòng ngừa, phát hiện, phối hợp ngăn chặn tội phạm”.
Đồng thời, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cần phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự trong công tác xây dựng cơ chế phối hợp; trao đổi thông tin, xây dựng phương án tuần tra, kiểm soát; phát hiện, ngăn chặn các vụ việc xảy ra trên các tuyến giao thông. Cùng với đó, các Phòng nghiệp vụ tập trung nắm tình hình, nhận diện các đối tượng cầm đầu, các nhóm đối tượng có biểu hiện đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, từ đó tham mưu CATP xây dựng phương án phòng ngừa, ngăn chặn; tổ chức tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
“Lực lượng công an cũng cần phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT, quan tâm chỉ đạo các phòng giáo dục, cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là pháp luật hình sự đối với các hành vi nêu trên; tuyên truyền xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không có bạo lực và tệ nạn xã hội; phối hợp chặt chẽ với Công an cấp cơ sở trong việc trao đổi thông tin về học sinh hư “cá biệt”, có biện pháp quản lý, phòng ngừa, không để học sinh vi phạm pháp luật…” – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết.