Đón, trả khách ngay biển cấm
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 952 đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô với 73.589 phương tiện hoạt động đã được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định. Qua công tác rà soát, kiểm tra cho thấy, thành phố còn 108 điểm đón, trả khách sai quy định. Các đơn vị kinh doanh loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch thường xuyên tổ chức bán vé, thu tiền hoặc thực hiện việc xác nhận đặt chỗ và đón khách tại văn phòng trụ sở hay tại một số điểm trên hành trình xe chạy, điển hình như: nhà xe Kim Mạnh Hùng, Võ Cúc Phương, Cường Thủy, Toàn Thắng, Hoa Mai…
Đáng chú ý, tại quận Bình Thạnh, 2 bãi xe số 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn đối diện Bến xe Miền Đông vẫn hoạt động lâu nay như một bến xe thu nhỏ, dù đăng ký với cơ quan chức năng chỉ là bãi xe. Tình trạng này đã tồn tại hơn chục năm nay và đặc biệt phức tạp vào các dịp lễ, Tết khi nhu cầu đi lại tăng cao. Trong khi các tuyến đường trong trung tâm thành phố như: Nguyễn Thái Bình, Phó Đức Chính (quận 1), mặc dù có biển cấm xe trên 9 chỗ dừng, đỗ nhưng nhiều năm nay, xe của Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ du lịch Hoa Mai (gọi tắt Hoa Mai), Công ty TNHH Toàn Thắng (gọi tắt là Toàn Thắng), vẫn đăng ký chạy cố định tuyến Vũng Tàu - thành phố Hồ Chí Minh bằng việc đưa những chiếc xe khách loại 16 chỗ vào hai tuyến đường này để đón, trả khách.
Tương tự, đường Điện Biên Phủ, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh), khoảng 1km nhưng hàng loạt nhà xe lớn có văn phòng bán vé và thường xuyên đón, trả khách hay xếp dỡ hàng hóa dưới lòng đường. Cuối tháng 12-2019, Sở Giao thông - Vận tải thành phố áp dụng cấm hoàn toàn xe khách dừng, đỗ ở đường Điện Biên Phủ, từ cây xăng Comeco đến cầu Văn Thánh, nhưng đến nay không ít xe vẫn dừng đón, trả khách. Tình trạng xe khách kinh doanh vận tải theo dạng hợp đồng ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) có chiều hướng tăng, các hãng xe thường xuyên cử người túc trực ở nhà ga để chào mời, chèo kéo khách, gây mất trật tự ở sân bay.
Theo thống kê của Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019, lực lượng này đã phát hiện và xử phạt 1.601 vụ vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn. Trong 2 tháng đầu năm 2020, lực lượng thanh tra Sở tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách và đã xử lý 673 vụ vi phạm.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xe “dù”, bến “cóc” vẫn phức tạp, được Sở Giao thông - Vận tải thành phố đưa ra là do một số địa phương chưa quyết liệt trong việc rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm, dù lãnh đạo thành phố đã có chỉ đạo thường xuyên. Mặt khác, một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa được điều chỉnh. Ngoài ra, các bến xe liên tỉnh cũng chưa có nhiều ưu đãi để thu hút nhà xe vào hoạt động, một số hành khách không có thói quen vào bến xe mua vé...
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch thành phố Hồ Chí Minh, muốn chấm dứt tình trạng xe “dù”, bến “cóc” không cách nào khác là phải thành lập một đoàn công tác liên ngành dưới sự chỉ huy trực tiếp của một Phó Chủ tịch UBND thành phố thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm theo quy định. Muốn hiệu quả hơn, đoàn công tác liên ngành cần kêu gọi người dân sở tại báo cáo về đường dây nóng các điểm mới phát sinh và có nguy cơ hình thành xe “dù”, bến “cóc”...
Mới đây, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm trong kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định vào bến xe hoạt động. UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải điều chỉnh phương án phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp tình hình thực tiễn, tránh để xảy ra tình trạng các loại phương tiện ô tô chở khách trên 16 chỗ lợi dụng dừng đón, trả khách thường xuyên trên các tuyến đường khu vực nội thành…
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, hiện Sở đang phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố rà soát, hạn chế theo giờ lưu thông một số tuyến đường đi vào trung tâm đối với xe trên 16 chỗ để hạn chế xe “dù”, xe khách “trá hình”... Mặt khác, UBND các quận, huyện phải thường xuyên rà soát, kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách, kiên quyết không để phát sinh phức tạp về các điểm đón, trả khách không đúng quy định. Sở tiếp tục đề xuất Công an thành phố triển khai công tác xử phạt “nguội” thông qua việc trích xuất dữ liệu hình ảnh từ hệ thống camera, nhất là tình trạng các xe dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định. Về lâu dài, Sở sẽ xây dựng đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn.
Những giải pháp trước mắt và lâu dài trên dù đầy tính khả thi nhưng cần được thực hiện nghiêm túc thì mới giải quyết được tình trạng xe "dù", bến "cóc" trên địa bàn thành phố.