Nâng sức hấp dẫn của giao thông công cộng Hà Nội

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Hà Nội vừa tiếp nhận Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Cải thiện giao thông công cộng TP Hà Nội (Moov'Hanoi)". Trong bối cảnh TP đã có đường sắt đô thị, xe buýt,… nhưng sự liên thông chưa rõ nét, Dự án sẽ giúp thiết lập mạng lưới và nâng sức hấp dẫn cho giao thông công cộng Thủ đô.

Tạo kết nối

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 580/QĐ-UBND ngày 3/2/2025 về việc phê duyệt nội dung văn kiện và tiếp nhận Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Cải thiện giao thông công cộng TP Hà Nội (Moov'Hanoi)" sử dụng viện trợ không hoàn lại của Hội đồng Vùng Île-de-France (Cộng hòa Pháp). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 33 tỷ đồng, trong đó, Hội đồng Vùng Île-de-France và Cơ quan phát triển Pháp viện trợ không hoàn lại khoảng 32 tỷ đồng, vốn ngân sách TP đối ứng khoảng 1 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2025 - 2026.

Nang suc hap dan cua giao thong cong cong Ha Noi - Hinh anh 1
Hành khách lên xe buýt tại Trạm trung chuyển Kim Mã, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo Sở GTVT Hà Nội, dự án có nhiều nội dung, trong đó nội dung 1 sẽ nghiên cứu thực trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến giao thông và nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân Hà Nội để phát triển hệ thống giao thông bền vững. Nội dung 2 hỗ trợ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc mở mới, điều chỉnh dịch vụ các tuyến buýt trên cơ sở kế hoạch tái cấu trúc và hợp lý hóa mạng lưới xe buýt công cộng. Từ đó tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa các phương thức vận tải metro/BRT/buýt. Nội dung 3 gồm các nguyên tắc thiết kế các điểm ga giao thông công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, điểm trung chuyển đa phương thức và triển khai dự án thí điểm làm cơ sở nhân rộng và quản lý kết nối đa phương thức. Điều này nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ của mạng lưới xe buýt đô thị và liên vận.

 Thủ đô đã có hầu hết các phương thức giao thông vận tải như: đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không. Bên cạnh đó, vận tải hành khách công cộng TP cũng đã có đường sắt đô thị, xe buýt, taxi…nhưng sự liên thông giữa các loại hình này chưa được hình thành rõ nét, chưa phát huy được tối đa sự thuận tiện, hiệu quả để thu hút người dân, giảm thiểu chi phí xã hội.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện đại tại Pháp, bà Sandrine Salaun - Cơ quan quản lý giao thông Vùng Île-de-France cho biết, kết nối đa phương thức là việc sử dụng thành công nhiều phương thức di chuyển để đi đến nơi mong muốn như: xe buýt, đường sắt đô thị, tramway (xe điện bánh sắt)..., hay phương tiện cá nhân như: xe máy, ô tô, xe đạp, đi bộ.

Đồng quan điểm, giảng viên Trường Đại học GTVT Vũ Anh Tuấn cho rằng, giao thông vận tải đa phương thức là một dạng tổ chức vận tải phối hợp nhiều phương thức với nhau, trong mỗi một phương thức lại có thể phối hợp nhiều phương tiện. Hành khách chỉ cần một tấm vé để sử dụng tất cả loại hình vận tải hành khách công cộng gọi là vận tải đa phương thức. Hình thức này đòi hỏi các loại hình vận tải phải liên thông, kết nối chặt chẽ với nhau. Như vậy, muốn có kết nối đa phương thức trong vận tải hành khách công cộng và giao thông vận tải nói chung phải có các điểm trung chuyển đa phương thức. Đó là nền tảng để bảo đảm sử dụng hiệu quả vận tải hành khách công cộng. Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Cải thiện giao thông công cộng TP Hà Nội” là cần thiết để giúp thiết lập, tối ưu mạng lưới và nâng sức hấp dẫn cho giao thông công cộng Thủ đô. Qua đó, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách, và giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm phát thải để bảo vệ môi trường.

Khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân

Nhận định Hà Nội là một đại đô thị đã phát triển rất mạnh cả tốc độ tăng trưởng dân số lẫn kinh tế và tất yếu là cả nhu cầu giao thông, ông Emanuel - đại diện Dự án Moov’Hanoi cho biết, nghiên cứu của Dự án đã chỉ ra, phương tiện cá nhân chủ yếu của người dân Thủ đô là xe gắn máy, tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng rất thấp. Hơn nữa, hầu như người dân chưa đi lại theo hình thức đa phương thức, bao gồm cả kết hợp giữa các loại hình giao thông công cộng, hay giao thông công cộng với phương tiện cá nhân. Khi thấy một tuyến đường sắt đô thị, một tuyến xe buýt không đến thẳng được đích, nhiều người sẽ ngay lập tức lựa chọn xe cá nhân. Hoặc chỉ sử dụng vận tải hành khách công cộng khi có những điều kiện lý tưởng nhất như: đi bộ ngắn; xe buýt, tàu điện đến thẳng đích mà không cần trung chuyển qua nhiều phương thức, nhiều chặng. Do đó, khi Hà Nội có kịch bản vận tải tích hợp rõ nét sẽ thuyết phục được người dân không ngần ngại sử dụng vận tải hành khách công cộng với kết nối đa phương thức để giảm thiểu tỷ lệ sử dụng xe cá nhân cho những chuyến đi mỗi ngày.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cũng cho rằng, giao thông công cộng thường ít gây ô nhiễm hơn do có khả năng vận chuyển nhiều người trong một chuyến đi. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc giảm xe cá nhân, cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt khi Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Đồng thời, khi giao thông công cộng trở nên thuận tiện và rẻ hơn, người dân cũng dễ dàng nhận ra rằng việc sử dụng phương tiện công cộng tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc sở hữu và duy trì một chiếc xe cá nhân. Chi phí xăng dầu, bảo trì, phí cầu đường, đỗ xe… đều là những khoản chi phí đáng kể mà người dân phải chi trả khi sở hữu xe riêng. Hơn nữa, việc từ bỏ xe cá nhân giúp giảm bớt chi phí thời gian tìm chỗ đỗ, tránh các khoản phạt vi phạm giao thông hoặc sửa chữa đột xuất.

Cùng với đó, việc hệ thống giao thông công cộng còn có thể kết hợp với các hình thức di chuyển khác như xe đạp công cộng, xe điện, taxi, xe ôm công nghệ… cũng sẽ giúp người dân thay đổi thói quen di chuyển và chuyển hướng đến các phương tiện thân thiện với môi trường, góp phần tạo nên một hệ thống giao thông xanh, linh hoạt và tiết kiệm. Ngoài ra, các phương tiện công cộng như tàu điện, xe buýt, xe điện có sự điều khiển chuyên nghiệp và an toàn, giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn do hành vi lái xe mạo hiểm hay say rượu, một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, giao thông công cộng không chỉ phục vụ mục đích di chuyển mà còn có thể tạo ra các cơ hội kết nối cộng đồng giúp người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội nhiều hơn. Từ đó, thay đổi thói quen di chuyển và tiếp cận các không gian sống hiện đại, tiện nghi hơn mà không cần phụ thuộc vào xe cá nhân. Như vậy, việc nâng cao sức hấp dẫn của giao thông công cộng tại Hà Nội không chỉ giúp giảm ùn tắc, ô nhiễm và tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra một sự thay đổi trong thói quen di chuyển của người dân. Đây là một bước đi quan trọng để khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân và chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng, đóng góp vào việc xây dựng một Hà Nội thông minh, hiện đại và bền vững hơn trong tương lai.

Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, đặc biệt trong giờ cao điểm. Khi giao thông công cộng trở nên thuận tiện, an toàn và hiệu quả hơn, người dân sẽ có động lực từ bỏ xe cá nhân để chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng giúp giảm ùn tắc, tiết kiệm thời gian di chuyển và giảm phát thải môi trường.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan

Mai Chi

Tin liên quan