Ngăn chặn sớm nỗi bất an của xã hội

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thời gian qua, tình trạng thanh thiếu niên rượt đuổi nhau trên đường phố đã gây ra nhiều vụ việc nghiêm trọng, tạo sự bất an cho xã hội. Để giải quyết tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, gia đình và cả chính quyền địa phương xử nghiêm, phạt nặng vi phạm.

Những nỗi đau còn mãi

Trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp.

Số đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa, các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động và nguy hiểm hơn. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng không còn đơn giản là do bồng bột, thiếu suy nghĩ mà đã có sự tính toán, chuẩn bị. Đáng chú ý, thời gian gần đây nổi lên tình trạng các thanh thiếu niên tụ tập thành các nhóm (có cả học sinh) thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như: đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích...

Ngan chan som noi bat an cua xa hoi - Hinh anh 1
 

Tháng 6 vừa qua, người dân Hà Nội bàng hoàng chứng kiến cái chết của 3 thanh, thiếu niên trên đường Láng, quận Đống Đa do rượt đuổi nhau bằng xe máy. Sự việc chưa nguôi ngoai thì đêm ngày 3/11, một cô gái trẻ mới chỉ 27 tuổi tử vong do liên tiếp bị nhóm thanh, thiếu niên đi xe máy tốc độ cao đâm phải.

Nạn nhân xấu số là chị N.H.Q. chạy xe máy dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu. Lúc này một đoàn gồm 25-30 xe đi hướng Trần Hưng Đạo - ga Hà Nội với tốc độ cao lao tới.

Trong đó N.H.N. (sinh năm 2005) lái xe Vision màu xám chở theo N.P.A. (sinh năm 2005) đi với tốc độ nhanh, không chú ý quan sát nên đã tông phải chị N.H.Q. làm chị Q. ngã ra đường.

Sau đó N.T.M.K. lái xe chở theo L.Đ.C. (sinh năm 2008) chạy theo đoàn đã đâm vào chị Q..

Cú tông khiến chị Q. thiệt mạng tại chỗ. Sau tai nạn, nhóm thanh niên bỏ trốn khỏi hiện trường. Vụ việc xảy ra để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Báo động tình trạng không chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Vụ việc đã làm 1 cô gái trẻ tử vong, để lại cho gia đình nạn nhân nỗi đau dai dẳng, những tổn thương tinh thần vô cùng to lớn. Đáng báo động hơn, nhóm "quái xế" có những đối tượng điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi chưa có giấy phép lái xe, khi xảy ra hậu quả tai nạn đã bỏ chạy nhằm trốn tránh trách nhiệm. 

Mặc dù cơ quan chức năng đã triệu tập, hoàn thiện hồ sơ, khởi tố hình sự vụ án, 10 đối tượng sẽ phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật. Thế nhưng, nỗi đau để lại cho gia đình còn mãi.

Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi này của nhóm đối tượng bị cả xã hội lên án, trái lương tâm, đạo đức ứng xử giữa con người với con người, các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh theo các quy định pháp luật.

Xử nghiêm, phạt nặng

Theo luật sư Phạm Thanh Hải - xuất phát từ việc nhóm đối tượng có hành vi tụ tập, tổ chức đi xe máy với tốc độ cao, hành vi này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại khoản 9, 11, 23 điều 8, điều 9, 12, 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Các hành vi có dấu hiệu phạm "Tội gây rối trật tự công cộng".

Bên cạnh đó, hành vi này của đối tượng  N.H.N và N.T.M.K có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông" được quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự. Nghiêm trọng hơn nhóm đối tượng khi gây tai nạn có hành vi bỏ chạy khỏi hiện trường không cứu giúp nạn nhân, gây tâm lý bức xúc với mọi người, các hành vi này có dấu hiệu định khung được quy định tại điểm a, c khoản 2 điều 260 Bộ luật hình sự. Trường hợp bị khởi tố về tội danh Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự, các thanh thiếu niên có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất tới 10 năm tù.

Theo thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương, xuất phát từ việc thích cảm giác mạnh, thích thể hiện mình để chứng tỏ bản lĩnh hay đẳng cấp với người xung quanh, ưa đàn đúm theo nhóm có cùng sở thích... của các thanh, thiếu niên này đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

“Những đối tượng này đều biết là nguy hiểm, biết rõ vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, đa số là những đối tượng sinh ra, lớn lên trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt thiếu sự dạy dỗ đầy đủ của bố, thiếu mẹ hoặc ở với ông bà, chú, bác… Từ đó nảy sinh tâm lý bất cần, coi thường pháp luật” – thạc sĩ Nguyễn Văn Dương chia sẻ.

Tình trạng nuông chiều, thiếu sự giám sát, buông lỏng quản lý con cái khá phổ biến ở nhiều gia đình. Cha mẹ không thường xuyên nắm bắt được tư tưởng, hành vi, sinh hoạt hằng ngày của con cái mình để giáo dục, uốn nắn. Do vậy, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của toàn xã hội.

“Bên cạnh đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị công an từ xã, phường đến cấp phòng, cục nhằm điều tra cơ bản, kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này để xử lý nghiêm khắc, tạo sức răn đe” – chuyên gia xã hội học, thạc sĩ Nguyễn Văn Dương chia sẻ.

 

Tin liên quan