Báo chí đã xung kích, đồng hành cùng tiến trình lịch sử của cách mạng, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới và phát triển của đất nước.
Những bước phát triển
99 năm qua, những người làm báo Việt Nam có quyền tự hào với nền báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, với truyền thống vẻ vang, những đóng góp xứng đáng của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như thông tin từ các tư liệu lịch sử, báo chí cách mạng Việt Nam ra đời với dấu mốc lịch sử là tờ Thanh Niên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên ngày 21/6/1925, đã để lại một dấu ấn khó phai trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Sau báo Thanh Niên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lập ra báo, nguyệt san khác như Kông Nông (1926), Lính Kách mệnh (1927), Búa liềm (1929)… để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, giác ngộ tinh thần đoàn kết, liên minh, làm cách mạng của quần chúng Nhân dân.
Nhiều tờ báo, tạp chí khác lần lượt ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam khẳng định vài trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân, đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ lợi ích của Nhân dân.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hàng loạt các báo, tạp chí lần lượt ra đời như: Cứu quốc, Nhân Dân, Thông tấn xã, Giải phóng, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Văn nghệ, Tiền phong, Lao động, Đài Tiếng nói Việt Nam…
Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Ngoài các cơ quan báo chí đã có, hàng loạt tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền thanh tiếp tục ra đời từ T.Ư, các ngành, đoàn thể, đến TP, tỉnh, huyện. Một số tờ báo tiếng nước ngoài đã được xuất bản để giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.
Ngày 20/5/1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban bố Luật số 100/SL/L.002 - Luật Báo chí đầu tiên ở nước ta. Chương I của Luật khẳng định trách nhiệm của báo chí và nhà báo cách mạng: báo chí dưới chế độ ta, bất kỳ là của một cơ quan chính quyền, đảng phái chính trị, đoàn thể Nhân dân hoặc của tư nhân cũng đều là công cụ đấu tranh của Nhân dân, phải phục vụ quyền lợi của Tổ quốc, của Nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ Nhân dân, ủng hộ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ văn bản pháp lý đầu tiên đó, ngày 28/12/1989, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã thông qua Luật Báo chí mới và ngày 2/1/1990 có hiệu lực, thay thế Luật Báo chí năm 1957 với những điểm mới phù hợp với thực tiễn nền báo chí.
Ngày 12/6/1999, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Tiếp đó, ngày 5/4/2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Báo chí năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc.
Một dấu mốc quan trọng nữa, là ngày 5/2/1985, Ban Bí thư T.Ư Ðảng ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925), nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Cũng trong năm đó, lần đầu tiên báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của Nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.
Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành T.Ư Đảng đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là cầu nối giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng, là cầu nối thể hiện ý Đảng, lòng dân, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là công cụ “phò chính trừ tà”.
Từ những ngày đầu non trẻ, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Với sứ mệnh đầy ý nghĩa, tự hào, vẻ vang, nhưng cũng vô cùng gian nan, thử thách, trong 99 năm qua, những người làm báo đã vượt lên mọi khó khăn, không quản hy sinh, có mặt trên tất cả các mặt trận, thực sự trở thành “những người thư ký của thời đại”.
Khẳng định vị thế trong dòng chảy thông tin
Có thể khẳng định, báo chí cách mạng Việt Nam đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phản ánh những vấn đề nóng hổi nhất của xã hội và ngày càng đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Hơn ai hết, đội ngũ người làm báo luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, trang bị bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ sắc bén, đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Hơn 41.000 người làm báo trên cả nước, đang ngày đêm nỗ lực, phát huy vai trò xung kích, dũng cảm xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió để đưa tin về các sự kiện nóng, các vấn đề về kinh tế - xã hội…
Nhiều nhà báo bằng tài năng sắc sảo, nhãn quan tinh tường, dấn thân, lăn lộn trong thực tiễn, nhạy bén với thời cuộc đã có nhiều tác phẩm có tính “khai phá, mở đường”, đấu tranh mạnh mẽ với sự trì trệ, bảo thủ; bảo vệ và cổ vũ cho những cách làm hay, mô hình sáng tạo, những đột phá trong tư duy...
Báo chí phát triển không chỉ giúp người dân thỏa mãn nhu cầu văn hóa, mở mang và trau dồi tri thức, còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp Nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Báo chí đã phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới; là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền của người dân, nhất là kiểm tra, giám sát thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Từ những tờ báo giấy truyền thống, đến nay, số lượng các ẩn phẩm, chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo… đã tăng vượt bậc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiếp nhận thông tin của Nhân dân.
Trước sự phát triển rất ồ ạt của các loại hình truyền thông, có lúc, tưởng chừng như báo chí đã bị tụt lại, nhưng điều đáng mừng vai trò của truyền thông chính thống, trong đó có báo chí vẫn rất lớn và quan trọng.
Hơn thế nữa, trong khi mạng xã hội cung cấp đủ loại thông tin tốt xấu, thật giả và chẳng thể kiếm chứng, báo chí đã trở thành chỗ dựa của dư luận, người làm báo chính thống chính là những bộ lọc tốt và "miễn nhiễm" với những tin xấu độc; đề cao trách nhiệm, chọn lọc thông tin, kiểm định tính xác thực; làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội; xây dựng môi trường thông tin lành mạnh.
Để làm nên một tác phẩm hay, có sức thuyết phục và tác động xã hội lan tỏa, đòi hỏi những người làm báo phải dấn thân, đi đến tận cùng sự việc để hiểu rõ, phản ánh đúng sự thật. Khi đó, tuy đối mặt với nhiều khó khăn, hiểm nguy nhưng đó không chỉ là niềm tự hào mà là trách nhiệm xã hội của người làm báo.
Với trách nhiệm định hướng thông tin tuyên truyền, dẫn dắt dư luận xã hội bằng thông tin chính thống, báo chí luôn được Nhân dân tin tưởng và ngày càng tìm đến để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng chính đáng của mình, góp phần tham gia vào giải quyết các vấn đề của đất nước.
Không dừng ở công tác tuyên truyền, báo chí còn thể hiện được trách nhiệm xã hội, tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ những địa phương, những người có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; trở thành cầu nối để góp phần thúc đẩy công tác an sinh xã hội, đây cũng là lợi thế của báo chí.
Bắt kịp xu hướng của thời đại
Như nhiều ý kiến đã nhận định, từ khi ra đời đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã hội tụ, tiếp thu các trào lưu tiến bộ của báo chí thế giới kết hợp với những nét đặc trưng của văn hóa, con người Việt Nam. Trước sự phát triển không ngừng của dòng chảy thông tin, báo chí cũng không thể bằng lòng với những gì đã có, mà vẫn đang tiếp tục đổi mới để thích ứng.
Trong đó, các cơ quan báo chí đã tích cực đổi mới để có đủ sức mạnh, năng lực cạnh tranh với các loại hình, phương thức truyền thông mới, mạng xã hội... nhằm thu hút, đáp ứng yêu cầu của độc giả, kịp thời đưa tin và định hướng dư luận.
Báo chí đã ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động tác nghiệp, kết hợp truyền thống và hiện đại, sử dụng triệt để các hình thức tạo ra chiến dịch truyền thông với những dấu ấn thật sự ấn tượng. Báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu với các công cụ số như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain)… phát triển.
Những tác phẩm báo chí tích hợp đa phương tiện với những hình thức thể hiện đa dạng như inforgraphic, megastory, long-form, e-magazine... vừa đọc, nghe, xem và tương tác với bạn đọc ngày càng nhiều, trở thành một thế mạnh của báo chí hiện đại.
Trước những thách thức ấy, bản thân các nhà báo cũng đang dần thay đổi để đáp ứng được đòi hỏi bức thiết về kỹ năng và công nghệ. Phương tiện tác nghiệp giờ không còn là cuốn sổ với cây bút hay máy tính xách tay. Nhiều nhà báo còn biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh như một “tòa soạn thu nhỏ”.
Chính sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, trong “cuộc đua” về thông tin đòi hỏi các báo phải cạnh tranh. Cạnh tranh là để phát triển, thu hút bạn đọc. Đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh bằng việc đưa tin nhanh nhất, chính xác, trung thực, khách quan và hấp dẫn nhất.
Nên dù công nghệ phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo nhưng vẫn không thay thế được trái tim, khối óc, ý chí và bản lĩnh của người làm báo. Chính điều đó đã giúp báo chí đứng vững, khẳng định được vai trò làm chủ dòng chảy thông tin, tạo ra sự đồng thuận và niềm tin trong công chúng.
Tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2024, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, sự phát triển không ngừng của báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu… đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo.
Báo chí cần chủ động, đoàn kết tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ bản quyền, đấu tranh chống tin giả, đẩy lùi thông tin xấu độc, thông tin sai lệch, xuyên tạc, để thông tin báo chí chính thống trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong không gian số, góp phần xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, phục vụ cho từng độc giả, khán thính giả, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tự hào về truyền thống vẻ vang với những bước phát triển, trưởng thành vượt bậc và cống hiến to lớn trong suốt 99 năm qua, đội ngũ những người làm báo hôm nay đang tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng “nền báo chí, truyền thông cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của báo chí đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Hà Bình