|
Nghiên cứu đầu tư nâng cấp tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên tuyến sông Sài Gòn. |
Theo GTVT, tại Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến sông Sài Gòn đoạn “từ ngã ba rạch Thị Nghè đến hạ lưu đập Dầu Tiếng 2 km, kéo dài thêm đến Bến Củi” dài 130 km được quy hoạch đến năm 2030 gồm: đoạn từ ngã ba rạch Thị Nghè đến cầu Bình Triệu dài 15,1 km có hiện trạng cấp II, quy hoạch đạt cấp II (tĩnh không 7-9,5 m); đoạn từ cầu Bình Triệu đến hạ lưu đập Dầu Tiếng 2 km (kéo dài đến Bến Củi) dài 114,9 km có hiện trạng cấp III, quy hoạch đạt cấp II (tĩnh không 7-9,5 m).
Tuyến sông Sài Gòn là tuyến vận tải thủy nội địa quan trọng trong mạng lưới giao thông thủy tại khu vực Đông Nam Bộ, phục vụ gom, rút hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương đến các cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh và khu bến Cái Mép (cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu).
Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tuyến sông đã được đầu tư nâng cấp hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa cho phép phương tiện lưu thông cả ngày lẫn đêm, hiện có mật độ phương tiện thủy lớn với nhiều chủng loại khác nhau, đặc biệt là tàu vận tải container 3 lớp sức chở đến 5.000 tấn. Tuy nhiên, cầu Bình Triệu 1 thuộc đoạn tuyến từ cầu Bình Triệu đến hạ lưu đập Dầu Tiếng có kết cấu bê tông cốt thép, được xây dựng trước năm 1975, sửa chữa năm 2010, tĩnh không đứng chỉ đạt 5,5 m không đảm bảo tĩnh không theo cấp II quy hoạch.
Hiện tại cầu Bình Triệu 1 nằm trên Quốc lộ 13, đã được Bộ GTVT giao UBND TP Hồ Chí Minh quản lý từ năm 2004. UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã bố trí vốn cho công tác nghiên cứu, lập dự án đầu tư nâng cấp cầu Bình Triệu 1.
Sau khi hoàn thành công tác lập dự án đầu tư, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh quan tâm sớm bố trí nguồn vốn của Thành phố để thực hiện dự án đầu tư nâng cấp cầu Bình Triệu 1 đảm bảo tĩnh không thông thuyền, sớm phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực vận tải thủy, đặc biệt trong việc thúc đẩy vận tải container trên tuyến luồng sông Sài Gòn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.
Bộ GTVT giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam theo thẩm quyền hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các sở, ban, ngành của TP Hồ Chí Minh trong quá trình địa phương chỉ đạo công tác lập dự án đầu tư nâng cấp cầu Bình Triệu 1.
Đồng thời, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải tiếp tục tổ chức quản lý, giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành đường thủy nội địa tại khu vực, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, phòng chống cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.