Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới có khoảng 900.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện dán thẻ thu phí không dừng. Trong khi đó, tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng cũng rất thấp, đạt khoảng 20%.
Hiện đã có 36/44 trạm BOT vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng. Ngoài một số trạm đang dừng thu, chỉ còn vướng 4 dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) do chưa có nguồn vốn triển khai.
Theo ông Thắng, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người dùng thấp là do chưa có sự kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân tại ngân hàng. Tổng cục sẽ sớm xử lý vấn đề này, dự kiến tháng 9 này sẽ hoàn thành.
Khi đó, chủ phương tiện sẽ không lo để nhiều tiền trong tài khoản giao thông mà không được hưởng lãi. Thay vào đó, chủ phương tiện có thể chủ động chuyển số tiền theo nhu cầu sử dụng vào tài khoản giao thông.
Về những vướng mắc trong các dự án của VEC, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP) cho biết, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai thu phí không dừng tại các dự án do VEC theo hướng VEC đầu tư, vận hành hệ thống thiết bị tại trạm thu phí, kết nối với trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vận hành hệ thống. Các tuyến còn lại chưa lắp đặt do VEC chưa xác định được nguồn vốn và cách thức triển khai dù Bộ GTVT nhiều lần đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Huy, là do thay đổi cơ quan chủ quản đối với VEC, trong khi quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền giữa Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ ràng.
Điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án cao tốc do VEC quản lý nói chung, triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng nói riêng.
Theo ông Thắng, nếu các tuyến trọng điểm cửa ngõ các thành phố lớn áp dụng thu phí không dừng, sẽ tăng nhanh số lượng người sử dụng dịch vụ.
Đối với 33 trạm thu phí dự án giai đoạn 2, ông Thắng cho biết, hiện còn một số dự án chưa ký phụ lục hợp đồng giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT.
Đối với việc ký hợp đồng dịch vụ giữa nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT hiện mới ký được 1 trong tổng số 33 trạm. Trong quá trình đàm phán gặp nhiều khó khăn do một số dự án BOT doanh thu thấp so với phương án tài chính.
Để tăng số người sử dụng dịch vụ, ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, thay vì chủ phương tiện nộp tiền trước vào tài khoản như hiện nay, về lâu dài, cần nghiên cứu áp dụng hình thức trả sau (tương tự như hình thức trả tiền sau đối với điện thoại di động, kể cả khi không có tiền trong tài khoản chủ phương tiện vẫn có thể qua trạm).