TPHCM với vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách cả nước. Trước tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh chóng như hiện nay, việc nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, kết nối giao thông là cần thiết.
Trong đó, khẩn trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, cụ thể là nhà ga T3, để giảm tải cho khu vực cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đang được thành phố và người dân hết sức quan tâm.
|
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng. |
"Riêng khu vực sân bay chỉ một chiếc xe bị chết máy trên đường Trường Sơn thôi, là chắc ăn là kẹt đó".
"Nói chung tôi chở ở đây nhiều công ty cũng bị delay. Delay cỡ nửa tiếng, 45 phút. Với lại tài xế bị kẹt trong sân bay luôn, do xe từ trong sân bay ra rất nhiều".
"Với tôi đi thì bị trễ chuyến bay. Bay từ Pleiku về Sài Gòn, nếu đúng giờ thì bạn tôi sẽ bay tiếp chuyến Sài Gòn về Đà Nẵng mà bị trễ như vậy sẽ bị dời, phải hủy chuyến rất là bất tiện. Nếu mà mở rộng để giảm kẹt, bị delay chuyến bay thì rất là tốt".
"Mình thấy nếu quá tải trước tiên là không đúng giờ. Mình đã từng rất nhiều lần bị delay như vậy cảm thấy rất là mệt, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc. Mình hy vọng cải thiện toàn hệ thống thì rất là tốt".
Năm 2018, công suất sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã vượt ngưỡng khoảng 38 triệu khách, trong khi công suất thiết kế hiện hữu là 28 triệu. Tình trạng ùn tắc cả trong, lẫn ngoài sân bay, cũng như ùn tắc trên không, không chỉ đã gây nhiều bức xúc cho hành khách mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển ngành du lịch thành phố.
Được biết, năm 2018, khách quốc tế đến thành phố đạt mức 14 triệu; dự báo năm 2019 sẽ là 15 triệu. Thành phố còn được đánh giá sẽ nằm trong top 3 trong 20 nước đứng đầu về du lịch vào năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, khó khăn lớn nhất trong phát triển của ngành hiện nay là công suất hàng không đang bị quá tải.
"Ngành du lịch thành phố gặp rất nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông và kết nối giao thông. 80% du khách đến với TPHCM qua đường hàng không, nhưng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất đã vượt ngưỡng. Và rất nhiều hãng hàng không đang làm việc với chúng tôi xin mở đường bay mới, để kết nối đường bay trực tiếp. Nhưng quả thật TPHCM đang rất khó khăn trong lĩnh vực mở rộng".
Trước tình trạng khai thác hiện nay của sân bay, luật sư Nguyễn Văn Hậu -Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh cũng đồng tình: "Tôi thấy rằng nếu chúng ta chậm trễ, khi chúng ta hội nhập thế giới hành khách càng ngày càng tăng lên. Để làm được điều này thì chúng ta phải xây dựng một sân bay nó hiện đại và đáp ứng được các loại máy bay trong sân bay. Với vị thế của chúng ta hiện nay nếu chúng ta càng chậm trễ thì chúng ta mất rất nhiều cơ hội đầu tư".
|
Quy hoạch sân đỗ máy bay và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Ảnh: Bộ GTVT. |
Để giảm tải, theo quy hoạch điều chỉnh cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ cải tạo nhà ga T1, T2 lên 30 triệu khách, bổ sung nhà ga T3 với công suất 20 triệu khách ở phía Nam. Nâng công suất Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm. Vào tháng 4/2019, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã đồng ý với Bộ Giao thông vận tải về phương án giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn doanh nghiệp, nhằm đảm bảo quy tắc khai thác cảng hàng không theo quy định quốc tế.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ GTVT tải tiếp thu ý kiến Bộ KH&ĐT và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy định. Như vậy, việc thực hiện sẽ được tiến hành ngay khi ACV được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến đến quý II – 2022 hoàn thành.
Để thực hiện dự án theo đúng tiến độ, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm: "Dự án mà thường chậm trễ, đó là do sự phối hợp giữa các bộ ngành trong việc thẩm định các dự án này. Và tôi cho rằng chúng ta cần phải khẩn trương phải làm sao cần tháo gỡ cơ chế này. Cái thủ tục hành chính của chúng ta, cần có những thủ tục thu hối đất, giao đất, giải ngân, để làm sao tiến độ đến quý 2, năm 2022 chúng ta hoàn thành xong, để chúng ta đáp ứng nhu cầu hành khách hiện nay".
Chỉ mỗi nhà ga T3 đã có công suất gần bằng với công suất sân bay hiện hữu. Như vậy, việc cấp bách là sớm xây dựng nhà ga T3 để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển.
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất –sớm thực hiện, tránh lùm xùm (Bình luận của nhà báo Bùi Trọng Điển - Phó Giám đốc Kênh VOVGT)
Trước nguy cơ công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất bị “đóng băng”, việc đầu tư, xây dựng và đưa nhà ga T3 vào hoạt động theo đúng kế hoạch là cần thiết, nhằm sớm tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng cho thành phố Hồ Chí Minh phát triển.
|
Nếu xây thêm đường băng thứ 3, đến năm 2025 Tân Sơn Nhất có thể phục vụ gần 70 triệu khách/năm.Ảnh: Lê Quân. |
Có thể nói, việc quá tải sân bay Tân Sơn Nhất cả trên không, mặc đất và nhà ga đã xảy ra liên tục nhiều năm nay. Việc mở rộng, nâng cấp nhà ga T3 để giảm tải cho các nhà ga hiện hữu liên tục được TP Hồ Chí Minh kiến nghị và người dân mong mỏi từ rất lâu.
Song do nhiều yếu tố nhất là vấn đề quy hoạch sử dụng đất trong sân bay có thời điểm còn chưa rõ ràng, nhất là phần đất dành cho an ninh quốc phòng và đất mở rộng sân bay còn có khu vực chồng lấn.
Chỉ đến khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự đồng thuận của các bộ, ngành và TP Hồ Chí Minh, các phương án về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mới có tính khả thi.
Đặc biệt, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị tư vấn, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý khi cần thiết thì mở rộng sân bay cả phía Nam và phía Bắc; cần đất sân golf thì lấy cả đất của sân golf để triển khai dự án.
Nhắc điều này để thấy, việc mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các bộ và các cơ quan liên quan thực hiện lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án là một nỗ lực đáng kể nhằm giải tỏa những bức xúc về sự quá tải ở sân bay này. Ngay cả việc Tổng Công ty Cảng Hàng Không Việt Nam khi được chọn thẩm định đầu tư cũng là quá trình lắng nghe, cân nhắc kỹ càng trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
Bởi nhiều ý kiến cũng cho rằng việc giao cho Tổng Công ty cảng hàng không làm chủ đầu tư dự án, đồng thời lại đơn vị khai thác, liệu có xảy ra tình trạng” vừa đá bóng, vừa thổi còi”? Trong khi trước đó đã có nhiều doanh nghiệm tư nhân có tiềm lực lớn cũng đã lên tiếng xin được tham gia đầu tư dự án.
Rõ ràng trước một dự án có tính bức thiết, số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, việc có nhiều ý kiến khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam khi được giao phải thể hiện rõ nhất năng lực của mình trong việc quản lý đầu tư để dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
Trong đó, Tổng Công ty cần thực hiện nghiêm túc đề xuất trong thời hạn khoảng 43 tháng triển khai dự án, nhà gà T3 sẽ đưa vào khai thác. Đó là chưa kể các thông tin về quá trình đầu tư cũng như việc lựa chọn các gói thầu, nhà thầu cũng phải được đơn vị thể hiện công khai; minh bạch; tránh mập mờ, gây lùm xùm không đáng có như nhiều dự án trọng điểm về xây dựng trong thời gian qua.
Để làm được điều này, rõ ràng ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành liên quan và các cấp, các ngành của TP Hồ Chí Minh cũng cần thể hiện vai trò trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án. Không để xảy ra các sai sót, tiêu cực. Có như vậy mới mong dự án hoàn thành đúng thời gian và đảm bảo chất lượng, hiệu quả; góp phần kéo giảm thực trạng quá tải đang diễn ra trầm trọng ở sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay.