Nhiều ý kiến băn khoăn, tại sao không làm vỉa hè nhỏ hơn để có không gian mở rộng lòng đường làm nơi đỗ xe, vừa tránh hư hại, vừa giảm thiểu vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (ATGT)?
Thói quen xâm hại vỉa hè
Một trong những tập quán của người Hà Nội nhiều năm qua là kinh doanh trên vỉa hè. Các hình thức kinh doanh ngày càng đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là trông giữ xe và bán hàng ăn uống. Những hoạt động này gây hại trực tiếp và lâu dài đến vỉa hè, dẫn đến tình trạng nhanh chóng xuống cấp, hư hại, khiến TP liên tục phải sửa chữa, thay thế nhiều loại vật liệu lát hè khác nhau nhưng đều không bền vững.
Ví dụ như hè phố Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), đoạn từ Hoàng Đạo Thúy - Hoàng Minh Giám, hiện biến thành bãi đỗ xe ô tô quy mô lớn với đủ các thể loại, từ xe cá nhân cho đến xe kinh doanh vận tải. Năm 2023, UBND quận Thanh Xuân đã thu hồi giấy phép trông giữ xe tại khu vực này để sửa chữa vỉa hè, lát lại đá.
Dự án cải tạo có tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng chưa hoàn thanh lát đá đã có xe ô tô lên đỗ hàng ngày. Hoàn thành xong toàn đoạn tuyến vỉa hè này ken kín xe cộ, ngay cả hàng ghế đá cũng bị bịt chặt trước mặt bằng ô tô. Với hàng trăm xe ô tô lên xuống, dừng đỗ hàng ngày, kết cấu vỉa hè không biết sẽ chịu đựng được bao nhiêu lâu rồi lại hư hỏng trầm trọng phải sửa chữa.
Hoặc vỉa hè đường Tố Hữu, đoạn từ hầm chui Khuất Duy Tiến - Lương Thế Vinh, dù đã xuống cấp từ lâu, mới đây vẫn có một đơn vị cắm biển bãi trông giữ xe và cho ô tô đậu chặn kín theo hàng ngang, đẩy người đi bộ xuống lòng đường, gia tăng nguy cơ hư hỏng kết cấu hè.
Nhiều đoạn vỉa hè khác như tại trước cửa các đại lý ô tô: Ford, Hyundai… trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) biến thành nơi đỗ xe phục vụ kinh doanh, bất chấp việc chắn lối người đi bộ và gây hư hại hạ tầng.
Những trường hợp như vậy xuất hiện rất nhiều tại các tuyến phố có vỉa hè lớn trong nội thành Hà Nội, kéo dài nhức nhối nhưng không thể xử lý triệt để. Tận dụng vỉa hè để kinh doanh, dừng đỗ xe thực sự đã trở thành một tập quán xấu của bộ phận không nhỏ người dân, DN. Cùng với đó là công tác duy trì, giữ gìn trật tự, ATGT, văn minh đô thị của các địa phương còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực trạng xâm hại vỉa hè theo một góc độ khác. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: vì sao không làm vỉa hè nhỏ thôi, đủ cho người đi bộ, mở rộng lòng đường ra để có thêm chỗ đỗ xe mà cứ phải làm vỉa hè to rồi phải đi bảo vệ, sửa chữa rất tốn kém và phức tạp?
Trên thực tế những trục đường như Lê Văn Lương - Tố Hữu có mật độ giao thông cao, lòng đường bị thu hẹp, cộng thêm làn dành riêng cho e buýt BRT nên giờ cao điểm lưu thông rất khó khăn. Chỉ cần một chiếc xe dừng đỗ ven đường thôi là cả dòng phương tiện bị chặn lại, gây ùn tắc kéo dài. Dọc trục đường này cũng có rất nhiều cơ quan, công sở, cửa hàng mua sắm, nhu cầu đậu đỗ xe rất lớn nhưng lại bị cấm tuyệt đối, khiến người dân không còn cách nào khác là phải gửi xe lên bãi lậu trên vỉa hè hoặc đỗ chắn đường lưu thông.
Cần rà soát, điều chỉnh
Thực tế cho thấy không ít tuyến phố của Hà Nội đang có thiết kế vỉa hè chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng. TP cần rà soát, phân loại để có những điều chỉnh sớm, giảm thiểu thiệt hại về vật chất, nâng cao tính thực dụng của kết cấu hạ tầng giao thông. Có hai nhóm giải pháp chính Hà Nội có thể nghiên cứu, xem xét tính khả thi.
Thứ nhất là xử phạt nghiêm các vi phạm chiếm dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh, trông giữ xe. Việc này đã được nói rất lâu và thường xuyên nhưng thực tế không mang lại hiệu quả sâu rộng. Đặc biệt tình trạng chiếm dụng vỉa hè để đậu đỗ, trông giữ ô tô đang gây hại rất nghiêm trọng cho kết cấu hạ tầng, khiến TP tốn kém hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để sửa chữa, trong khi nguồn lợi thu được không biết nộp vào ngân sách bao nhiêu.
Bên cạnh đó, các thói quen xấu, gây hại cho vỉa hè của người kinh doanh như: đổ nước thải, xả rác ra vỉa hè, đóng đinh, tự ý cắt xẻ tạo lối lên xuống, chằng buộc vào cây… cần phải bị nghiêm trị. Trong khi chủ trương cho thuê vỉa hè để kinh doanh còn chưa thực sự đi vào cuộc sống, cơ quan chức năng cần tạo ngay thói quen kinh doanh lành mạnh, có ý thức, nề nếp bảo vệ kết cấu hạ tầng. Nếu để những thói quen xấu này tồn tại đến khi cho thuê vỉa hè, kinh doanh đại trà hậu quả sẽ vô cùng phức tạp, nặng nề.
Thứ hai là phải phân loại, xác định nhóm các tuyến hè phố đủ điều kiện để cắt xén, mở rộng lòng đường thành một danh mục để thiết kế, xây dựng lại. Nơi nào vỉa hè quá rộng có thể xén đi để mở rộng lòng đường thêm một làn dành cho đỗ xe, chấm dứt tình trạng ô tô leo lên hè, gây nứt vỡ, sụt lún rồi TP lại phải bỏ tiền đi lát đá.
Với những tuyến hè phố có thể xem xét cho đỗ xe ô tô, kinh doanh buôn bán, phải có thiết kế riêng, bảo đảm vỉa hè chịu được những tác động từ xe cộ lên xuống hàng ngày, có phương án tổ chức giao thông cụ thể, phù hợp.
Đối với các tuyến hè phố, đặc biệt tại những khu đô thị tập trung đông dân cư và phương tiện sau này, TP cần tích hợp quy hoạch xây dựng đường, hè phố với các hạng mục như: điểm dừng chờ xe buýt, khu vực đỗ xe, khu vực đi bộ, kinh doanh dịch vụ…
Trước mắt điều cần thiết nhất là lên danh mục các tuyến hè phố đủ điều kiện để cắt xén, mở rộng, tạo thêm chỗ đỗ xe, chấm dứt tình trạng biến vỉa hè thành bãi trông giữ xe làm lợi cho cá nhân, trong khi TP phải bỏ tiền duy tu, sửa chữa. Những khu vực vỉa hè có thể mở rộng cần tận dụng để phát triển thêm hạ tầng trạm sạc cho xe điện nhằm nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang phương tiện xanh cho người dân.
Một trong những giải pháp cấp bách nhằm chấm dứt bất cập, nghịch lý trong quản lý, sử dụng vỉa hè tại Hà Nội là đẩy nhanh kế hoạch hiện thực hóa chủ trương cho thuê vỉa hè phục vụ kinh doanh dịch vụ, trong đó có cả dịch vụ trông giữ xe. Khi cho thuê cần yêu cầu các cá nhân, đơn vị được giao phải có phương án tổ chức giao thông cũng như duy trì kết cấu hạ tầng bền vững.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng