Chi phí tốn kém không phải điều quan trọng nhất
Một trong những chi tiết quan trọng nhất trong văn bản hướng dẫn chi tiết của Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi cho phép các địa phương thuộc nhóm 3 (nhóm nguy cơ thấp về dịch bệnh Covid-19) được thực hiện vận tải hành khách liên tỉnh với nhau chính là yêu cầu các tỉnh, TP phải điều chỉnh lại biểu đồ chạy xe và phương án tuyến. Khi đó, đương nhiên lộ trình sẽ dài hơn so với trước. Ngoài ra, các DN vận tải cũng chỉ được phép khai thác 50% tần suất và 50% số ghế thiết kế trên mỗi chuyến xe.
DN vận tải sẵn sàng chấp nhận khó khăn vì mục tiêu đẩy lùi Covid-19. Ảnh: Hòa Thắng
|
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Duy Ninh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh cho biết, theo như hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chi phí cho mỗi chuyến xe sẽ tăng cao hơn do phải chạy đường xa cộng thêm nhiều chi phí phát sinh cho công tác phòng, chống dịch. Trong khi đó nguồn thu về sẽ giảm đi đáng kể với việc chỉ được khai thác một nửa tần suất và số ghế. “Dù được chạy thì các DN vận tải chưa chắc đã có lãi” – ông Ninh nói.
Một khó khăn nữa là việc điều chỉnh biểu đồ chạy xe và phương án tuyến để tránh không đi qua các tỉnh nhóm 1 và 2 cũng tốn khá nhiều thời gian. Ví dụ, một DN đăng ký tại Sở GTVT địa phương lộ trình xe chạy qua QL1A. Nhưng theo quy định mới sẽ không được phép chạy qua vùng dịch của nhóm 1, nhóm 2. Điều này bắt buộc DN phải chuyển sang lộ trình khác. Lúc này DN sẽ phải kiến nghị lên Sở GTVT để xem xét, quyết định. Đó còn chưa kể đến việc với 27 tỉnh, TP thuộc nhóm 1 và 2, tức là gần một nửa địa phương trên cả nước không được vận tải hành khách liên tỉnh và các tỉnh nhóm 3 cũng không được chạy qua. 36 tỉnh còn lại có được chạy cũng rất khó thực hiện.
Đồng hành cùng công tác chống dịch
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên đánh giá cao việc cho phép các tỉnh thuộc nhóm 3 thực hiện vận tải hành khách liên tỉnh giữa các tỉnh trong nhóm nhưng lại trao quyền lựa chọn cho các địa phương. “Rõ ràng đây là chỉ đạo rất phù hợp và linh hoạt của Chính phủ. Bởi chỉ có các tỉnh mới hiểu rõ nhất nhu cầu đi lại thực tế của người dân cũng như nhu cầu hoạt động của DN vận tải tại địa phương mình” – ông Bùi Danh Liên nói.
Thực tế, không lâu sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản hướng dẫn chi tiết, nhiều tỉnh, thành đã lên tiếng xác nhận sẽ tiếp tục dừng hoạt động vận tải liên tỉnh, ít nhất đến hết 22/4. Đây là điều có thể dự đoán được từ trước. Một chuyên gia giao thông cho rằng: Vấn đề quan trọng ở đây không phải là việc điều chỉnh luồng tuyến và biểu đồ chạy xe để tránh các tỉnh nhóm 1, 2 phức tạp hay chi phí DN vận tải bỏ ra sẽ cao hơn, mà cái chính là các địa phương vẫn muốn ưu tiên cho công tác phòng chống dịch bệnh lên hàng đầu.
Đồng quan điểm trên, không ít lãnh đạo DN vận tải hành khách liên tỉnh cho rằng, nhiều tỉnh quyết định tiếp tục dừng vận tải hành khách liên tỉnh là đúng. Thậm chí, một số địa phương tỏ ra rất quyết liệt trong công tác phòng dịch như yêu cầu xe của địa phương khác quay đầu hay không tiếp những người đến từ các địa phương có dịch.
Ông Nguyễn Duy Ninh cho rằng, đây không phải vấn đề ngăn sông cấm chợ mà chỉ là biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo dịch bệnh không xâm nhập vào địa phương của họ mà thôi. “Việc đảm bảo cho địa phương không bị dịch bệnh xâm nhập cũng là góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh chung của cả nước” – đại diện một DN vận tải nói.
Theo Bộ GTVT, từ 0 giờ 23/4 đến hết ngày 30/4, căn cứ vào tình hình cụ thể về dịch bệnh trong thời gian tới của từng địa phương, việc phân loại mỗi tỉnh vào từng nhóm có thể thay đổi. Tuy nhiên, việc vận chuyển hành khách thuộc 3 nhóm địa phương vẫn cơ bản như trên. |