Nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành Giao thông vận tải trong năm 2023.

Nhieu dot pha trong dau tu phat trien ket cau ha tang giao thong - Hinh anh 1
"Siêu dự án" cao tốc Bắc - Nam là một trong những "kỳ tích giữa đời thường" trong công tác xây dựng hạ tầng giao thông. 

Tất cả vì mục tiêu 3.000km đường cao tốc

Để đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành, đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc, một số cảng hàng không và các công trình giao thông trọng yếu theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các Ban QLDA là Chủ đầu tư, chỉ đạo các Ban QLDA khẩn trương kiện toàn mô hình tổ chức, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của từng tổ chức để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hàng tháng, Bộ trưởng Bộ GTVT luôn chủ trì họp định kỳ kết nối trực tuyến đến văn phòng điều hành hiện trường từng dự án để chỉ đạo xử lý từng vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra hiện trường làm việc trực tiếp với người đứng đầu các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn cung vật liệu, bãi đổ thải...

Đặc biệt, Bộ GTVT đã phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” với tinh thần “Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa” để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu nhằm đẩy nhanh tiến độ đi cùng với việc bảo đảm chất lượng công trình.

Yêu cầu mà Bộ GTVT đưa ra là tuyệt đối phải đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng; trong đó, đã ban hành nhiều công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo các chủ thể tham gia, nhất là các chủ đầu tư, tư vấn giám sát bám sát hiện trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, tuyệt đối không để xảy ra sai sót về chất lượng, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đặc biệt, trước những khó khăn về nguồn cung vật liệu phục vụ các dự án trọng điểm, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập 2 Tổ công tác trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt, xử lý theo thẩm quyền, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp cung cấp đủ vật liệu cho các dự án, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá.

Bộ GTVT cũng phối hợp, hỗ trợ hiệu quả các địa phương là cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc trong quá trình chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án. Nhờ đó, các dự án đã khởi công và triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Nhieu dot pha trong dau tu phat trien ket cau ha tang giao thong - Hinh anh 2
 Đại công trường xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Hướng tới cột mốc mới trong năm 2024

Đánh giá về công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”.

Theo thống kê Bộ GTVT, trong năm qua, cơ quan này đã việc khởi công 26 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường và lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần.

“Cũng trong năm 2023, Bộ GTVT đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900km” – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Tiếp nối thành tích ấn tượng trên, năm 2024, Bộ GTVT đề ra mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 nâng tổng số đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác lên 2.021km gồm 129km cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và 1892 km cao tốc đã đưa vào khai thác trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tập trung rà soát, ưu tiên bố trí vốn các dự án quan trọng quốc gia, dự án quan trọng, động lực, gắn trách nhiệm người đứng đầu và đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2024 với người đứng đầu.

Bộ GTVT sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến Đường sắt quan trọng Quốc gia như TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đồng thời phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản.

Trong năm 2023, hàng loạt đoạn cao tốc trên tuyến cao tốc phía Đông hoàn thành, đã tạo cú hích lớn cho kinh tế - xã hội. Trong đó, 2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đưa vào sử dụng đã kích hoạt lĩnh vực du lịch cho khu vực. Cao tốc Mai Sơn - QL45 và QL45 - Nghi Sơn đưa vào vận hành đã tạo nên sức bật lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và những địa phương lân cận.

Tin liên quan