Nhiều xe vận tải Lào hết hạn lưu hành nhưng cố tình ‘chạy chui’

 
Chia sẻ

Lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và yêu cầu tái xuất các phương tiện vận tải của Lào hoạt động tại lãnh thổ Việt Nam.

Nhiều phương tiện vận tải của Lào nhập cảnh vào Việt Nam nhưng đến ngày phải tái xuất thì lại không thấy bóng dáng. Do đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và yêu cầu tái xuất các phương tiện vận tải của Lào hoạt động tại lãnh thổ Việt Nam.

Trước đó, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông về việc phối hợp xác minh phương tiện vận tải đường bộ quá hạn chưa tái xuất hoặc tái nhập, trong đó thông báo 26 phương tiện vận tải của Lào quá thời hạn 30 ngày được phép lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam mà không tái xuất về Lào.

Điều 7 Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào quy định “mỗi chuyến đi, phương tiện được phép ở lại lãnh thổ của Bên ký kết kia không quá 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.”

Trường hợp quá thời hạn quy định mà có lý do chính đáng (thiên tai, tai nạn, hỏng không sửa chữa kịp) sẽ được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn xuất cảnh.

Nhieu xe van tai Lao het han luu hanh nhung co tinh ‘chay chui’ - Hinh anh 1
Hiện trường vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giữa xe khách và xe tải biển số Lào tại Hòa Bình vào ngày 17/6 vừa qua. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Cảnh sát Giao thông và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và yêu cầu tái xuất các phương tiện vận tải của Lào quá thời hạn được phép lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.

Các Sở Giao thông Vận tải báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm của các phương tiện vận tải của Lào gửi về Tổng cục Đường bộ trước ngày 31/7 tới.


Trước đó, vào lúc 0 giờ 20 phút ngày 17/6, tại Km134+300 trên tuyến Quốc lộ 6, thuộc địa phận xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Cụ thể, xe tải loại 5 tấn biển kiểm soát của Lào là UN-8500 lưu thông hướng Sơn La-Hà Nội đã đâm vào xe khách giường nằm mang biển kiểm soát 27B-003.71 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Giang (Điện Biên) đang đi theo hướng ngược lại. Hậu quả của vụ tai nạn giao thông làm 3 người chết, 37 người bị thương trong đó có 2 người thương rất nặng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ rà soát toàn bộ việc cấp phép và hoạt động của các phương tiện liên vận nước ngoai đang hoạt động tại Việt Nam; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm.

Bên cạnh đó, Bộ Công an với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan kiểm soát chặt chẽ tình hình cấp phép và hoạt động đối với các phương tiện ôtô liên vận biển kiểm soát nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Trong vụ việc này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, qua trao đổi với Cục Quản lý vận tải Lào, xe tải này có biển kiểm soát và hồ sơ đăng kiểm không trùng nhau. Phía Lào đang kiểm tra, làm rõ.

Đáng chú ý, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe ôtô tải chở sắt vụn biển kiểm soát UN-8500 là phương tiện đăng ký biển số nước ngoài, mã biển số của Liên hợp quốc, có thể được đăng ký tại Lào, vì vậy không có trong dữ liệu kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Bà Hiền cũng nêu thực tế hiện nay, có thực trạng xe hết niên hạn ở Việt Nam được đưa sang Lào “đại tu” lại, thậm chí đục số khung, số máy rồi đưa trở về Việt Nam lưu hành. Trong khi đó, phía Lào và Việt Nam chưa có kho dữ liệu về những xe này.

Theo bà Hiền, hai nước Việt-Lào đã có Hiệp định về đường bộ, nhưng chuyên sâu về từng lĩnh vực như người lái, tai nạn... thì chưa cụ thể. Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp để hoàn thiện trong công tác quản lý.

“Hiện, nước ta chủ yếu dựa vào Nghị định thư được ký kết giữa 2 nước về quản lý dịch vụ vận tải, người lái, phương tiện, bảo hiểm.. nên cần có cơ chế phối hợp,” vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay./.

Theo TTXVN

Tin liên quan