Những công trường hối hả tại “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam ngày đầu năm mới

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Những ngày đầu năm mới 2022, trên các công trường của “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông, không khí lao động vô cùng khẩn trương và sôi động. Tất cả vì mục tiêu sớm đưa dự án “về đích” để dần hiện thực hóa giấc mơ “đại lộ - đại phú” của Việt Nam.

Nhung cong truong hoi ha tai “sieu du an” cao toc Bac – Nam ngay dau nam moi - Hinh anh 1
"Siêu dự án" cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo ra sự bứt phá cho kinh tế - xã hội cả nước.  Ảnh: Tuấn Lương

Cùng với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Cao tốc Bắc – Nam phía Đông là hai công trình giao thông trọng điểm hàng đầu của quốc gia. Đây cũng là dự án được ưu tiên tập trung nguồn lực, tạo ra sự đột phá trong năm 2022 với mục tiêu sớm nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cần Thơ, như lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Đua tiến độ trên công trường

Vào tháng 9/2020, khi phát biểu tại khởi công triển khai 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công là Mai Sơn – QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Chính phủ, đã dùng cụm từ “Đại lộ - Đại phú” để nói về vai trò quan trọng của hệ thống đường cao tốc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

“Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước” – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói và nhấn mạnh cả nước cần quyết tâm phấn đấu để làm hệ thống giao thông tốt nhất, đáp ứng sự phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó hệ thống giao thông phải đi trước một bước.

Hơn 1 năm trôi qua, các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công ngày nào giờ đã bước vào giai đoạn chạy nước rút để sẵn sàng cho ngày “về đích”.

Nhiều dự án thành phần khác được khởi công sau đó cũng đã và đang tham gia vào “cuộc đua” chạy nước rút này. Những công trường thi công dự án cao tốc Bắc – Nam thời điểm này đang vô cùng sôi động, không khí khẩn trương và hào hứng tràn ngập khắp nơi càng khiến cho khí thế trong những ngày đầu năm mới 2020 thêm phần sôi nổi.

Tại dự án cao tốc Mai Sơn – QL45 không khí trên công trường thi công lúc nào cũng “như ngày hội”. Trong suốt 3-4 tháng nay, các kỹ sư và công nhân luôn cắm chốt 24/24 tại công trường. Họ tạm gác nỗi nhớ gia đình, nhớ vợ con lại để tập trung cho mục tiêu cao cả nhất, đó là đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết tâm đưa dự án “về đích” sớm.

Ông Lương Văn Long - Giám đốc điều hành dự án (thuộc Ban QLDA Thăng Long) cho biết, hiện trên công trường đang triển khai 68 mũi thi công tại 5 gói thầu, với hơn 1.500 công nhân, khoảng 1.000 máy móc, thiết bị.

Ông Long cho hay, đến hết năm 2021, dự án cao tốc Mai Sơn  - QL45 đã đạt sản lượng hơn 3.000 tỷ đồng, tương đương 45% giá trị xây lắp theo hợp đồng. Trong đó có những hạng mục công trình như hầm Thung Thi đã vượt tiến độ tới 3 tháng. Với tiến độ như hiện tại, Ban QLDA Thăng Long khẳng định sẽ phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2022.

Tương tự, tại dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn, các công trường thi công chưa lúc nào ngưng nghỉ trong suốt nhiều tháng qua. Thậm chí, những ngày cuối năm và ngày nghỉ Tết Dương lịch 2022, không khí lao động khẩn trương trên các công trường còn khẩn trương, gấp gáp hơn.

Đại diện Ban QLDA cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là khoảng thời gian giãn cách xã hội và thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều đã ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Do đó, ngay khi dự án thi công trở lại, Ban QLDA và các nhà thầu đã hạ quyết tâm đẩy mạnh thi công trên công trường để bù tiến độ.

Các kỹ sư, công nhân, thợ máy đều bám công trường, làm việc ngày đêm trong suốt nhiều tháng qua. Các đơn vị đã huy động công nhân và thiết bị làm việc liên tục 3 ca/ngày. Nhờ đó, đến nay dự án đã triển khai được hơn 10% khối lượng, đúng tiến độ đề ra.

Nhung cong truong hoi ha tai “sieu du an” cao toc Bac – Nam ngay dau nam moi - Hinh anh 2
 Không khí lao động khẩn trương trên công trường dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.  Ảnh: Vĩnh Phú

Dồn lực hoàn thành 1000km cao tốc trong 5 năm tới

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT thì tháng 12/2021 là thời điểm ghi nhận những chuyển biến lớn về sản lượng thi công tại nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông.  Đơn cử như tại cao tốc Mai Sơn - QL45, sản lượng thi công trong tháng 12/2021 đã đạt 7,7% so với tháng trước đó. Tính đến hết năm 2021, dự án đã đạt hơn 45% sản lượng theo hợp đồng.

Tương tự, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, sản lượng thi công  trong tháng 12/2021 cũng tăng 1,7% so với tháng 11, sản lượng thi công toàn dự án đạt hơn 70%. Hay như dự án cầu Mỹ Thuận, sản lượng thi công là 45,5%, tăng 3,5% so với tháng 11/2021 còn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đạt sản lượng thi công 25,9%, tăng 3,8%.

Đặc biệt, dự án có sản lượng thi công cao nhất hiện nay là cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn khi tính đến thời điểm hiện tại, dự án này có sản lượng thi công đạt 99,5%. Hiện các nhà thầu đang thi công hoàn thành các hạng mục cuối cùng để hoàn chỉnh thủ tục nghiệm thu đưa dự án vào khai thác vào đầu năm 2022.

Những tin vui liên tiếp trên công trường của “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã tiếp thêm động lực và niềm tin cho Bộ GTVT khi đề ra nhiệm vụ và mục tiêu trong giai đoạn tới. Trong đó, cao tốc Bắc – Nam phía Đông được xác định sẽ là dự án tạo ra “đột phá”, mang đến động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, mục tiêu được Bộ GTVT đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025 là dồn nguồn lực để chuẩn bị đầu tư cho các công trình đột phá kỳ trung hạn 2026 – 2030, trong đó điểm nhấn sẽ là hoàn thành 1.000km đường cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn để giúp Việt Nam có 5.000km cao tốc vào năm 2030.

Trong 5 năm tới, Bộ GTVT sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực cho 2 công trình đột phá là nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cần Thơ với chiều dài khoảng 1.301km và hoàn thành giai đoạn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành” – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói.

Quan điểm xuyên suốt của Bộ GTVT khi xây dựng kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025 là phải xác định rõ dự án tạo ra đột phá, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia. Trong đó, đầu tư có tầm nhìn trong mỗi kỳ trung hạn và phải chuẩn bị danh mục cho tầm nhìn dài hạn. Cho đến thời điểm này, diện mạo hạ tầng giao thông trong 5 - 10 năm tới với kế hoạch đầu tư những dự án hạ tầng giao thông lớn đã được định hình tương đối rõ nét.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể


Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h