Phân kì đầu tư cao tốc đang bộc lộ nhiều bất cập

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Từ các vụ tai nạn liên tiếp trên các tuyến cao tốc phân kì đầu tư thời gian gần đây cho thấy, đang tồn tại rất nhiều bất cập, cũng như phải xem xét lại lộ trình phân kì đầu tư hợp lý hơn.

Phan ki dau tu cao toc dang boc lo nhieu bat cap - Hinh anh 1
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh Lam Thanh

Thực tế bất cập

Theo thống kê, cả nước hiện có 5 dự án phân kì đầu tư 2 làn xe gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình. Và 8 dự án 4 làn xe hạn chế (không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí các điểm dừng) gồm cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 - 2020) đi qua khu vực Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Nha Trang - Bình Thuận và 2 dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Do là cao tốc chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) cao.

Thực tế, thời gian gần đây tai nạn liên tiếp xảy ra trên các tuyến cao tốc phân kì đầu tư này. Ngày 18/2, tại Km 48+200 cao tốc Cam Lộ - La Sơn diễn ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 4 xe ô tô khiến 3 người trong cùng một gia đình tử vong.

Ba tuần sau đó, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng lại xảy ra trên tuyến cao tốc này. Tối 10/3, xe khách chạy từ tỉnh Quảng Trị vào Đà Nẵng, khi đến Km 58 đã va vào phía sau bên trái xe ôtô tải đang dừng đỗ bên đường khiến 2 người trên xe khách tử vong, 9 người khác bị thương. 

Trước đó, rạng sáng 23/1, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên Cao tốc La Sơn - Túy Loan, tại Km 36+400, xe khách 45 chỗ lao xuống vực sâu 30m, khiến 2 người tử vong, 19 người bị thương. Trên tuyến cao tốc này, sáng 28/2 cũng xảy ra vụ lật xe container khiến tài xế tử vong.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn nối Quảng Trị với Thừa Thiên - Huế và La Sơn - Túy Loan nối Đà Nẵng với Thừa Thiên - Huế hiện chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách cứng, nhiều đoạn qua đồi núi quanh co, dốc, không có sóng điện thoại, hệ thống ánh sáng chưa đầy đủ.

 Đặc biệt, trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn không có dải phân cách cứng ở giữa, trừ một số đoạn cho phép vượt được mở rộng 4 làn xe. Đáng chú ý, những đoạn cho xe vượt (thường chỉ kéo dài 1,5 - 2km) lại tạo ra những nút thắt cổ chai khi nhập làn. Nếu tài xế tính toán tốc độ xe không chính xác, căn đường không chuẩn, rất dễ dẫn đến tai nạn, đặc biệt là khi lưu thông vào ban đêm, tầm nhìn hạn chế.

Thượng tá Phạm Việt Công - Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng ba yếu tố gây mất toàn giao thông trên cao tốc chủ yếu do ý thức, kĩ năng của lái xe; chất lượng phương tiện và hạ tầng giao thông.

Như vụ tai nạn ngày 18/2 là do tài xế vượt ẩu; vụ tai nạn ngày 10/3 là do tài xế xe khách thiếu quan sát, tài xế xe tải không thực hiện đúng quy định ATGT khi dừng đỗ; vụ tai nạn lật xe do tài xế buồn ngủ…

Theo Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Phan Thanh Uy, ngoài nguyên nhân chủ quan từ lái xe, cũng không loại trừ khả năng do yếu tố hạ tầng.

Tầm nhìn đầu tư chưa toàn diện?

Văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc đã quy định việc phân kỳ đầu tư phải phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng triển khai thực hiện.

Quá trình khai thác đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Tuý Loan cho thấy, do đoạn tuyến cao tốc phân kì mới đưa vào khai thác và chưa thu phí dẫn đến việc một số xe tải lớn sẽ đi vào đường cao tốc để tránh Quốc lộ 1 và tránh trạm thu phí, làm gia tăng lưu lượng xe so với tính toán ban đầu. Việc các xe tải nặng chạy chậm còn khiến các tài xế xe con bức xúc, có xu hướng vi phạm pháp luật để vượt. 

Theo kết quả kiểm đếm phương tiện, mỗi ngày trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có rất nhiều phương tiện lưu thông. Riêng tỉnh Thừa Thiên - Huế, mỗi ngày có khoảng 2.000 - 3.000 lượt xe đi qua, dịp Tết lên đến gần 6.000 lượt. 

Như vậy, việc không lường trước được lưu lượng giao thông chính là một bất cập lớn về hạ tầng và tổ chức giao thông. Mới đây, tỉnh Ninh Bình cũng đề xuất nâng cấp cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 dù mới đưa vào khai thác chưa được 1 năm do lo ngại sớm quá tải. Trên đoạn tuyến cao tốc này nhiều xe trọng tải lớn vẫn lưu thông bất chấp biển cấm.

Việc phân kì đầu tư là vấn đề “cực chẳng đã”, nhưng trước tình hình phát triển của kinh tế và sự gia tăng nhanh của phương tiện giao thông, ông Phan Thanh Uy đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần xem xét lại lộ trình đầu tư các tuyến cao tốc phân kì để phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo ATGT tốt hơn. 

Như vậy, đối với đường cao tốc phân kì, hạ tầng mới khai thác ở giai đoạn 1, cần rà soát lại tổng thể các nguyên nhân khách quan, chủ quan, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phòng ngừa tai nạn giao thông trong thời gian tới.

Và để tránh lãng phí nguồn lực, công tác khảo sát, lựa chọn tuyến cao tốc thực hiện đầu tư cần được xem xét kỹ lưỡng, có tầm nhìn; các cơ quan quản lý đường bộ phải theo dõi lưu lượng giao thông, nghiên cứu các giải pháp phù hợp để nâng cao tốc độ khai thác, tránh vừa xây xong và đưa vào khai thác chưa lâu đã phải lên kế hoạch mở rộng.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn cho rằng, đối với những tuyến cao tốc buộc phải phân kì đầu tư từng phần cần có phương án tổ chức giao thông phù hợp, đảm bảo ATGT. Một số hạng mục có tính “sống còn” đối với ATGT như: đèn chiếu sáng, dải phân cách, làn dừng khẩn cấp… cần được nghiên cứu, trang bị, lắp đặt sớm để giảm thiểu rủi ro cho người tham gia giao thông.

Bộ GTVT đã có quyết định về việc xây dựng báo cáo tiền khả thi mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn (giai đoạn 2) lên 4 làn xe hoàn chỉnh với mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Bộ GTVT đang kiến nghị Chính phủ bố trí từ nguồn vốn bội thu, thực hiện đầu tư lệnh khẩn cấp. Nếu được chấp thuận cả cơ chế, chính sách này, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2024, và hoàn thành cơ bản vào năm 2025.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy.

 

Huyền Sâm

Tin liên quan