Phát triển đồng bộ để hút khách đi xe buýt

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Theo Sở GTVT Hà Nội, tính đến tháng 4/2024, TP có 152 tuyến buýt đang khai thác vận hành, trong đó có 128 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour.

Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến tất cả quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, đã kết nối với 8 tỉnh thành lân cận: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định.

Phat trien dong bo de hut khach di xe buyt - Hinh anh 1
Hành khách sử dụng thẻ vé xe buýt điện tử tại Bến xe Kim Mã. Ảnh: Công Hùng

Phương tiện giao thông công cộng nòng cốt

Toàn mạng lưới xe buýt có trên 4.700 điểm dừng, 350 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 130 điểm đầu cuối, 12,9km đường dành riêng cho xe buýt. Tổng số phương tiện xe buýt hiện nay là 2.185 xe, trong đó, xe buýt trợ giá 1.908 xe với 281 xe sử dụng năng lượng sạch, 139 xe CNG (sử dụng khí thiên nhiên nén) và 142 xe buýt điện, đạt 14,7% và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên.

Theo đánh giá của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, chất lượng đoàn xe được nâng cao, chủng loại xe hoạt động đa dạng phù hợp với điều kiện hạ tầng khu vực; thông tin về mạng lưới phục vụ người dân được kịp thời (ứng dụng tìm buýt, busmap,…). Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ được tuân thủ theo đúng quy định; hệ thống định mức đơn giá từng bước đã được cải thiện cập nhật hoàn thiện. Ngoài ra, hình thức vé xe buýt tại Hà Nội đa dạng với nhiều đối tượng khác nhau; xe buýt xanh, sạch thân thiện với môi trường bước đầu đã được triển khai.

Tuy nhiên, xe buýt của Hà Nội vẫn chưa đạt được như kỳ vọng khi thời gian di chuyển dài, tốc độ di chuyển còn chậm. Theo tính toán của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, vào khung giờ cao điểm, tốc độ khai thác của nhóm tuyến nội thành chỉ đạt 12,7km/giờ. Tỷ lệ người dân tham gia vẫn chưa đáp ứng được mong muốn. Một số cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới phương tiện cho DN vẫn còn khó tiếp cận. Việc mở rộng mạng lưới chưa đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của Nhân dân, bởi một số nơi người dân chưa tiếp cận được xe buýt.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội còn 66 xã chưa có xe buýt tiếp cận do điều kiện về hạ tầng chưa cho phép. Việc áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành giao thông mới chỉ ở giai đoạn đầu...

Chị Nguyễn Thị Nhàn, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Tôi sử dụng tàu điện, xe buýt là phương tiện đi lại chính. Hầu hết các tuyến đường ở nội thành đã có xe buýt phủ sóng nên việc đi lại khá thuận lợi. Tuy nhiên, thời gian di chuyển của xe buýt quá lâu, nhất là vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, một số tuyến xe buýt vẫn còn lộ trình vòng vèo, quá dài nên nhiều lúc tôi phải sử dụng xe cá nhân hoặc taxi, xe ôm để di chuyển”.

Rà soát tổng thể mạng lưới

Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho rằng, để vượt qua những thách thức, giải quyết các vấn đề phát sinh và phát triển hệ thống giao thông đô thị, thì một trong những giải pháp khả thi, cơ bản và quan trọng hàng đầu là phát triển và tiếp tục trợ giá cho hệ thống vận tải hành khách công cộng tiên tiến và thân thiện môi trường.

“Để mạng lưới xe buýt hoạt động hiệu quả cần nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ điều hành thông minh trên xe buýt với chức năng điều hành trực tuyến giữa lái xe và Trung tâm điều hành; tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống thông tin hành khách, bản đồ xe buýt, phần mềm tìm buýt, busmap và phát triển hệ thống bảng điện tử tại các nhà chờ, điểm đầu cuối” - ông Thái Hồ Phương nhìn nhận.

Ngoài ra, để giải quyết các tồn tại, hạn chế của mạng lưới xe buýt, cần đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục, kiên trì triển khai các làn đường ưu tiên cho xe buýt theo kế hoạch. Việc này, sẽ làm tăng tốc độ khai thác chạy xe, giảm đáng kể thời gian chuyến đi cho hành khách, yếu tố khuyến khích hấp dẫn người dân đi lại sử dụng dịch vụ xe buýt. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết cho xe buýt phát triển và lưu thông trong điều kiện giao thông hỗn hợp.

Cùng với đó, cần ban hành quy định về tiêu chuẩn diện tích, các tiện ích tối thiểu cho bố trí điểm đầu cuối, trung chuyển… Chính sách về ưu tiên quỹ đất cho xây dựng điểm trung chuyển, dừng đỗ phương tiện công cộng, trong đó có xe buýt. Có sự phối hợp về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển giao thông công cộng của TP. Các chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới phương tiện sử dụng năng lượng xanh cần được quan tâm, tạo điều kiện hơn.

Phạm Công

Tin liên quan