Khổ vì dự án chậm tiến độ
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện nay, với lượng mưa 50mm/2 giờ, Hà Nội cơ bản không xảy ra úng ngập nhưng khi mưa từ 50 - 100mm/2 giờ sẽ xuất hiện 11 trọng điểm ngập úng. Cụ thể gồm: Phố Nguyễn Khuyến, khu vực cổng trường Lý Thường Kiệt; phố Hoa Bằng, đoạn từ số nhà 91 đến số 97 và từ số nhà 54 đến 56; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; phố Cao Bá Quát, đoạn trước cửa Công ty Môi trường đô thị; phố Thụy Khuê, đoạn dốc La Pho; phố Minh Khai, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy; phố Nguyễn Chính, đoạn từ ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai; Đại lộ Thăng Long, đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, Km9 + 656, nút giao An Khánh; đường Ngọc Lâm, từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường đô thị Gia Lâm; đường Hoàng Như Tiếp, đoạn từ trường tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ.
Phố Vũ Trọng Phụng ngập úng cục bộ sau trận mưa tối ngày 11/5.
|
Dù không nằm trong danh sách trên, song những năm gần đây, phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân rơi vào cảnh “cứ mưa là ngập”. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị trong trận mưa tối 11/5, ông Nguyễn Thế Phương, chủ một cửa hàng kinh doanh trên phố Vũ Trọng Phụng chia sẻ, trước đây, khi tuyến đường này chưa được cải tạo, tình trạng ngập úng vẫn diễn ra nhưng không nghiêm trọng như hiện nay và chỉ khoảng 15 – 20 phút sau nước sẽ rút hết. Tuy nhiên, từ khi dự án cải tạo, mở rộng đường Vũ Trọng Phụng bắt tay vào thực hiện, tình trạng ngập úng đã diễn ra nghiêm trọng hơn.
Không chỉ vậy, việc thi công chậm tiến độ đã khiến tuyến đường này biến thành một công trường thu nhỏ. Tại đây, mặt đường lồi lõm, bong tróc, xuất hiện nhiều “ổ trâu”, “ổ gà”… bụi bay mù mịt gây mất VSMT, mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong khu vực, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Kiến nghị đẩy nhanh tiến độ dự án
Ông Bùi Ngọc Uyên - Phó Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội rơi vào tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn là do hệ thống hạ tầng thoát nước sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, nước mưa và nước thải sinh hoạt vẫn sử dụng chung một đường cống dẫn đến quá tải.
“Tỷ lệ đường ống cống thoát nước tại Hà Nội (0,46m/người) cũng thấp hơn nhiều so với trung bình của thế giới (2m/người). Thêm vào đó, quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đô thị hóa đã làm cho một số hồ điều tiết, vùng đệm thay đổi về hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm nước, tạo ra tình trạng ngập úng cục bộ” – ông Bùi Ngọc Uyên cho biết.
Liên quan đến tình trạng ngập úng trên phố Vũ Trọng Phụng, theo ông Bùi Ngọc Uyên, nguyên nhân xuất phát từ dự án cải tạo, mở rộng đường Vũ Trọng Phụng thi công chậm tiến độ. Dự án này bao gồm mở rộng và xây dựng hệ thống thoát nước dọc tuyến đường, song đến nay vẫn đang trong quá trình thi công, chưa bàn giao lại cho ngành thoát nước quản lý, vận hành.
“Để khắc phục tình trạng trên, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân đẩy nhanh tiến độ thi công để dự án sớm đi vào vận hành, sử dụng” – ông Bùi Ngọc Uyên đề nghị.
Được biết, dự án cải tạo, mở rộng phố Vũ Trọng Phụng được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 7623/QĐ-UBND năm 2017. Dự án có chiều dài gần 440m, điểm đầu giao với đường Nguyễn Huy Tưởng, điểm cuối giao với đường Nguyễn Trãi. Dự án do UBND quận Thanh Xuân là chủ đầu tư có tổng mức đầu tư trên 366 tỷ đồng, vốn từ ngân sách TP, theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa rõ ngày về đích.