Quản lý Nhà nước là hy vọng cho lái xe công nghệ

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Dù các hãng xe công nghệ chỉ ký hợp đồng đối tác, không chi trả các khoản bảo hiểm, an sinh xã hội, nhưng vì mưu sinh, hàng trăm nghìn tài xế vẫn chấp nhận giao kèo và chỉ biết trông mong vào sự ủng hộ, giúp đỡ của cơ quan quản lý Nhà nước.

Câu hỏi đặt ra là: đến khi nào nhóm lao động này mới tìm được điểm tựa an sinh?

Vạn bất đắc dĩ

Tài xế xe ôm, giao hàng công nghệ đã trở thành một nghề thực thụ ở Việt Nam. Những người làm công việc này hàng ngày phải đối diện với rất nhiều rủi ro do cường độ đi lại trên đường cao. Theo số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ, bao gồm cả xe máy và ô tô, phần lớn tuổi từ 25 - 35. Nhưng trong số đó, mới chỉ có khoảng 7% người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), hơn nữa là diện tự nguyện đóng bảo hiểm. Còn lại đại đa số lái xe công nghệ vẫn chưa tiếp cận được giải pháp an sinh xã hội, chấp nhận tình cảnh sẽ mất hết, không còn điểm tựa nào để duy trì cuộc sống nếu chẳng may bị tai nạn nghề nghiệp, hay khi hết sức lao động, buộc phải nghỉ hưu.

Quan ly Nha nuoc la hy vong cho lai xe cong nghe - Hinh anh 1
Lái xe công nghệ trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Ảnh: Chiến Công

Trong khi đó, những thương hiệu xe công nghệ lớn đều cho thấy sự thờ ơ, thiếu cảm thông với người lao động. Các thương hiệu này chỉ ký hợp đồng đối tác, nghĩa là không thuê lao động, nên họ không phải chi trả, hỗ trợ lái xe những khoản đóng bảo hiểm xã hội, hay chia sẻ trách nhiệm khi có rủi ro.

Thạc sĩ Xã hội học Lê Hoàng Lan chia sẻ: “Trách các hãng xe công nghệ đã đành, nhưng cũng phải nhìn nhận rõ ràng công tác quản lý Nhà nước chưa hiệu quả. Các hãng xe nghĩ đủ cách để chuyển tiền ra nước ngoài, về công ty mẹ, báo lỗ tại Việt Nam, né tránh trách nhiệm với người lao động. Nhưng các bộ, ngành không có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này”.

Bà Lê Hoàng Lan nhận định, nhiều người lựa chọn làm lái xe công nghệ, bất chấp những khoảng trống an sinh là vì họ cần giải quyết nhu cầu sống, cơm ăn áo mặc hàng ngày. Có người không có nghề nghiệp gì nên đơn giản nhất là tải áp, ký giao kèo và chạy xe công nghệ. Bản chất thực sự của hoạt động đối tác là bên cạnh việc mưu sinh, họ đang làm giàu cho các hãng xe công nghệ, đang bỏ sức lao động để đóng góp cho chủ thương hiệu. “Không quan tâm đến an sinh xã hội cho họ là sự thờ ơ, vô cảm” - bà Lê Hoàng Lan bày tỏ.

Một tài xế xe công nghệ tại Hà Nội (xin giấu tên) cho biết: “Vạn bất đắc dĩ mới phải đi làm nghề này. Không làm không biết xoay sở sao cho đủ cuộc sống đang ngày càng đắt đỏ. Nhưng mỗi khi ốm đau, tai nạn phải tự bỏ tiền túi ra để chạy chữa, hay khi nghĩ đến lúc không còn sức chạy xe nữa lại ứa nước mắt”.

Đó cũng là tâm sự của hàng vạn tài xế công nghệ khác. Bản thân họ hiểu rõ, và phải chấp nhận ký giao kèo làm việc “vô cảm” với các hãng vì áo cơm. Nhưng sâu trong lòng họ luôn mong mỏi sẽ có người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ, buộc các hãng xe công nghệ - những người hưởng lợi chính phải quan tâm đến an sinh xã hội cho người lao động.

Phát biểu trước Quốc hội, bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh nhận định, hiện nay, nền kinh tế việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng nhanh về số lượng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế việc làm tự do, cần có những hướng dẫn cụ thể về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) nói riêng, các chế độ an sinh xã hội nói chung cho nhóm đối tượng này.

Bảo vệ người lao động

Theo quy định hiện hành, mức đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động là 32% tiền lương, trong đó lao động đóng 10,5%, DN đóng 21,5%. Nếu được đóng BHXH bắt buộc, lao động làm việc trên nền tảng công nghệ chia sẻ chỉ phải bỏ một phần tiền, phần còn lại sẽ do công ty công nghệ đóng.

Nhiều chuyên gia đã khẳng định, mối quan hệ giữa các hãng xe và tài xế công nghệ, bản chất là quan hệ sử dụng lao động. Các hãng xe đang lách luật, tận dụng những khoảng trống chính sách để né tránh trách nhiệm, tư lợi cho mình và thờ ơ với người lao động.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu nhận định, trong khoảng 8 - 10 năm qua, loại hình xe ôm, giao hàng qua ứng dụng điện tử đã phát triền ồ ạt tại nước ta. Từ chỗ mới mẻ, đến nay đây đã trở thành một trong những phương thức luân chuyển chính của hàng hóa, vận tải khách, đặc biệt tại các đô thị lớn. Thế nhưng các quy định của pháp luật cả trong lĩnh vực kinh tế, lao động, xã hội… vẫn chưa theo kịp để quản lý hữu hiệu loại hình này.

“Do đó các hãng xe vẫn có cửa để lách luật, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, bỏ mặc quyền lợi của người lao động. Cơ quan quản lý Nhà nước phải nhanh chóng có biện pháp để lấp lỗ hổng chính sách, có các chế tài, luật định chặt chẽ đối với những hãng xe công nghệ” - ông Lê Trung Hiếu nói.

Bà Trần Thị Diệu Thúy phân tích, theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019, nhóm đối tượng này về bản chất tồn tại quan hệ lao động. Người giao hàng, xe ôm, taxi công nghệ đều làm việc theo dạng hợp đồng liên kết với công ty công nghệ. Đây là một dạng lao động làm việc theo hợp đồng chứ không phải lao động tự do.

Hơn lúc nào hết, cơ quan quản lý Nhà nước phải tỏ rõ vai trò “cầm cân nảy mực” của mình, làm mọi cách để bảo vệ người lao động. Nếu thiếu quy định của pháp luật thì phải xây dựng, bổ sung cho đủ, các bộ, ngành phải chung tay vào cuộc, kiểm soát hoạt động của các hãng xe công nghệ. Không thể để tình trạng kinh doanh, thu lợi, bỏ mặc các vấn đề xã hội liên quan đến lợi ích hợp pháp của người lao động.

Đông đảo tài xế xe công nghệ cho biết, họ là những người lao động thuần túy, thiếu hiểu biết về pháp luật, hơn nữa phải chấp nhận giao kết với các hãng xe vì miếng cơm manh áo. Họ lại càng không có thẩm quyền, chức năng để đặt ra các luật lệ, bổ sung những quy định còn thiếu. Bởi vậy tất cả kỳ vọng của họ đều hướng đến: Nhà nước.

Đặng Sơn

Tin liên quan