Quốc hội thảo luận chuyển 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trong sáng 9/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Quoc hoi thao luan chuyen 3 du an PPP cao toc Bac - Nam sang dau tu cong - Hinh anh 1
 

Sáng nay (9/6), tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. 

Bộ trưởng cho biết, năm 2017, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với nội dung chủ yếu: Giai đoạn 2017-2020 đầu tư khoảng 654 km chia thành 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thành phần đầu tư công và 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP; tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng (bao gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách) với tiến độ thực hiện từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, việc huy động tín dụng trong nước cho các dự án PPP đến nay đã phát sinh các yếu tố mới. Mặt khác, từ thực tế triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP trong những năm gần đây đã thể hiện rõ về những rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là các ngân hàng, tổ chức tín dụng với mức vốn cho vay chiếm hơn 80% tổng mức đầu tư. Những rủi ro thực tế này đã ảnh hưởng đến tính khả thi huy động vốn tín dụng thực hiện các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP.

Mặt khác, về tiến độ thực hiện, đến nay, các nội dung về thiết kế kỹ thuật, dự toán đã cơ bản hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành đạt hơn 70% công việc. Đây là những điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện ngay trong năm 2020 nếu chuyển sang đầu tư công.

Chính vì vậy, cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, chuyển đổi hình thức đầu tư từ đầu tư theo phương thức PPP có sử dụng một phần đầu tư công sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ cơ bản giải quyết được “mục tiêu kép”: Vừa giải quyết được khó khăn, vướng mắc về huy động vốn tín dụng, tạo điều kiện giải ngân nhanh khối lượng vốn đầu tư công lớn, hỗ trợ mặt cầu cho tăng trưởng kinh tế.

“Việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công bảo đảm chắc chắn triển khai thành công Dự án, giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ để triển khai đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ rất hiệu quả do lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động vốn tín dụng. Mặt khác, sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước. Mặc dù chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài cơ chế này sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo”, Tờ trình nhấn mạnh.

Sau khi Bộ trưởng GTVT trình bày Tờ trình, trong sáng 9/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về nội dung này.

Bảo Nam

Tin liên quan