|
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương điều hòa linh hoạt vốn giữa các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. |
Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được giao, Thủ trưởng các bộ, cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún, chia cắt, không để xảy ra tiêu cực, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên bố trí vốn quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội: số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và số 43/2022/QH15 ngày 01/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong phạm vi tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thứ tự ưu tiên như sau:
1- Bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại tiết đ điểm 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội.
2- Bố trí vốn để thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật (nếu có);
3- Bố trí đủ vốn để thu hồi số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trường hợp đã thu hồi hết số vốn ứng trước phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được phép bố trí vốn cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định;
4- Bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2022;
5- Bố trí đủ vốn cho dự án chuyển tiếp phải hoàn thành năm 2023 theo thời gian bố trí vốn;
6- Bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và vốn đối ứng cho các dự án ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn Nhà nước tham gia vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; bố trí đủ các khoản trả nợ đến hạn năm 2023 thuộc nghĩa vụ thanh toán của ngân sách Trung ương;
7- Bố trí vốn cho các nhiệm vụ cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách;
8- Bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt để hoàn thành dự án;
9- Bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội - nhanh, bền vững;
10- Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã đủ thủ tục đầu tư.
11- Mức vốn bố trí cho từng dự án không vượt quá tổng mức đầu tư dự án trừ đi lũy kế vốn đến hết năm 2022 và không vượt quá số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trừ đi số vốn đã giải ngân trong năm 2021 và số vốn bố trí trong năm 2022 của dự án;
12- Mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2023;
13- Ngoài các nguyên tắc nêu trên, các chương trình, dự án được bố trí kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2023 phải phù hợp với nội dung của Hiệp định, cam kết với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai, năng lực của chủ đầu tư chương trình, dự án, tiến độ thực hiện dự án và theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Bố trí đủ vốn cho dự án kết thúc Hiệp định trong năm 2023, không có khả năng gia hạn Hiệp định, chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2023;
- Bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp theo tiến độ được duyệt;
- Bố trí vốn cho dự án khởi công mới đã ký Hiệp định và có khả năng giải ngân trong năm 2023.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương điều hòa linh hoạt vốn giữa các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023, bảo đảm giải ngân toàn bộ số vốn của Chương trình trong năm 2023 theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm đế bố sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn, bảo đảm đúng quy định và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ngay khi có Quyết định điều chỉnh vốn giữa các dự án để tổng hợp theo dõi, kiểm soát việc giải ngân.
Các bộ ngành, địa phương phải đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến hết niên độ ngân sách năm 2023 không đạt tối thiểu 90% kế hoạch được giao là một trong các tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ và việc không hoàn thành nhiệm vụ 02 năm liên tiếp là một trong các trường hợp để xem xét miễn nhiệm cán bộ theo quy định tại Quyết định số 41-QD/TW ngày 03/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương...