Rửa đường bảo đảm vệ sinh môi trường: Hiệu quả kép

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Không chỉ bảo đảm vệ sinh môi trường (VSMT), rửa đường còn góp phần hạ nhiệt “chảo lửa đô thị” trong mùa Hè… đó là nhận định của nhiều người dân, chuyên gia trong lĩnh vực đô thị. Song, để biện pháp này đem lại hiệu quả bền vững, tránh phát sinh những bất cập, các đơn vị chức năng cần phải nghiên cứu, tổ chức thực hiện một cách kỹ lưỡng.

Khắc phục được tồn tại
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 2029/UBND-ĐT chấp thuận về nguyên tắc việc thực hiện tưới nước rửa đường bảo đảm VSMT trên địa bàn TP theo đề xuất của Sở Xây dựng. Điều này đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân, các đơn vị tổ chức duy trì, dọn dẹp VSMT trên địa bàn TP, đặc biệt là trong thời điểm thời tiết đang có những diễn biến hết sức phức tạp, lượng rác thải tăng lên hàng ngày.
Thực ra, biện pháp rửa đường không phải là mới ở Hà Nội. Trong quá khứ và khoảng nửa năm trở lại đây, biện pháp này đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn TP. Sau khi áp dụng, tái áp dụng, biện pháp trên đã và đang đem lại những hiệu quả tích cực trong công tác bảo đảm VSMT, mỹ quan đô thị… được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Ông Nguyễn Văn Hùng – phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa chia sẻ, thời gian gần đây, các đơn vị chức năng vẫn thường xuyên tổ chức quét dọn, rửa đường nên đường phố khang trang, sạch đẹp hơn. "Trong quá trình thu gom rác vẫn còn hiện tượng nước rỉ rác rơi vãi ra môi trường. Tôi cho rằng, với việc TP quyết định tổ chức rửa đường hàng ngày sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục những bất cập này. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình giảm nhiệt độ ở các tuyến đường trong những ngày nắng nóng” - ông Hùng nhìn nhận.
Tránh chia nhỏ gói thầu
Theo Công văn số 2029/UBND-ĐT của UBND TP Hà Nội, để bảo đảm việc rửa đường diễn ra thuận lợi, có hiệu quả, tránh lãng phí, UBND đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động, chịu trách nhiệm về phương án, danh mục tuyến đường, khối lượng duy trì vệ sinh thường xuyên và không thường xuyên công tác tưới nước rửa đường phù hợp với thực tế cũng như khả năng cân đối ngân sách của quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, không chồng lấn với hoạt động của xe quét hút, không tưới nước rửa đường trong ngày mưa. Tổ chức lựa chọn đơn vị đủ năng lực thực hiện tưới nước rửa đường theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ…
Liên quan đến những nội dung này, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, Chi nhánh Đống Đa (Urenco 4) Nguyễn Thanh Sơn cho biết, đây là những quy định hết sức cần thiết nhằm c hiệu quả, tránh lãng phí và hệ lụy của việc tổ chức rửa đường. “Hiện tại, công tác rửa đường trên địa bàn quận Đống Đa đều được thực hiện vào ban đêm để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và người tham gia giao thông”- ông Sơn cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự đồng tình việc cho phép rửa đường để bảo đảm VSMT. Ví như tại tuyến Đại lộ Thăng Long, mặc dù vẫn thường xuyên thu gom rác nhưng với mật độ phương tiện, số lượng xe tải, đặc biệt là các loại xe chở vật liệu xây dựng, bùn đất… hoạt động như hiện nay, việc bảo đảm VSMT cũng gặp rất nhiều khó khăn nếu không được rửa đường thường xuyên. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, theo quy định, việc tổ chức rửa đường cần phải tiến hành đấu thầu công khai. Song để bảo đảm hiệu quả, cần phải ưu tiên các đơn vị đã và đang triển khai thu gom rác trên địa bàn để tránh chia nhỏ gói thầu, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện.

Vân Nhi

Tin liên quan