Sau gần 2 tuần Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực: Giảm số “ma men” nhập viện

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau gần hai tuần Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tại các bệnh viện (BV), số bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông (TNGT) có xu hướng giảm, đặc biệt là bệnh nhân nhập viện do uống rượu, bia giảm mạnh.

Sau gan 2 tuan Luat Phong chong tac hai cua ruou, bia co hieu luc: Giam so “ma men” nhap vien - Hinh anh 1
Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Hà Đông giảm hẳn các bệnh nhân bị tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia.

Bác sĩ không còn tất bật 

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, khoa Cấp cứu, BV Đa khoa Hà Đông không ồn ào như mọi khi. Nếu trước đó, số lượng bệnh nhân cấp cứu thường là 130 - 150 bệnh nhân/ngày, nhưng sau khi Nghị định 100 có hiệu lực thì những bệnh nhân cấp cứu (TNGT, đánh nhau, ngộ độc) liên quan đến rượu, bia giảm mạnh. Bác sĩ Phạm Ngũ Hiển - khoa Cấp cứu cho biết, trước đây, khoa Cấp cứu thường tiếp nhận 10 - 15 ca/ngày do TNGT liên quan đến bia, rượu. Đặc biệt thời điểm dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, số lượng bệnh nhân TNGT tăng vọt. Nhưng hiện chỉ còn khoảng 1 - 2 ca/ngày, còn lại là các bệnh nhân gặp tai nạn do nguyên nhân khác. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với các năm trước.

Còn theo bác sĩ Trần Quang Toản - Trưởng khoa Chấn thương - chỉnh hình, trong tuần qua, trước đây, khoa tiếp nhận 2-3 ca bệnh bị TNGT/ngày (với mức tổn thương phối hợp; gãy chân kết hợp với gãy đùi; chấn thương sọ não hoặc gãy nhiều xương) do rượu, bia. Nhưng sau khi thực hiện Nghị định 100, tỷ lệ bệnh nhân giảm rất rõ (về số vụ tai nạn và tổn thương). Tính đến thời điểm hiện tại, khoa tiếp nhận 8 ca bệnh nhưng không có bệnh nhân nào liên quan đến rượu, bia. Bác sĩ Toản cũng cho biết, so với cùng kỳ năm 2019, dịp gần Tết, lượng bệnh nhân nhập viện rất đông, một ngày khoa tiếp nhận hơn 10 ca bệnh, tuy nhiên, nay giảm chỉ còn 20 -30%, tùy thuộc vào mức độ.

Còn tại BV Thanh Nhàn, bác sỹ Vũ Xuân Hùng - Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình của BV cho biết, thông thường, BV tiếp nhận tới hơn 100 ca cấp cứu đa chấn thương mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện nay, số bệnh nhân cấp cứu do TNGT đã giảm, đặc biệt là giảm lượng bệnh nhân nhập viện do uống rượu, bia, chỉ còn khoảng 60 - 70 ca cấp cứu.

Trong khi đó, tại BV Việt Đức, lượng cấp cứu do tai nạn giao thông khi sử dụng rượu, bia giảm. Đại diện BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, số bệnh nhân liên quan đến sử dụng rượu, bia trong những ngày qua chiếm 11,8%, trong khi trước đó chiếm 15%.

Thay đổi ý thức người dân

Chia sẻ về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, bác sĩ Trần Quang Toản cho rằng, luật  có hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng, xã hội cũng như giảm tải áp lực cho ngành y tế, bảo đảm an ninh trật tự xã hội. “Các ca bệnh liên quan đến rượu, bia trước kia, thường nhập viện hàng loạt, cùng việc người nhà đến trong tình trạng vẫn còn hơi men, gây mất trật tự BV. Nếu Nghị định 100 được thực hiện nghiêm túc, duy trì tốt, sẽ đem lại lợi ích rất lớn và làm giảm các vụ TNGT, các vụ đánh nhau, gây rối trật tự xã hội do rượu, bia”- bác sĩ Toản nói.

Về tác hại của rượu, bia với sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho hay, lạm dụng rượu, bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu, bia “xịn” thì vẫn là gánh nặng cho gan. Còn theo các chuyên gia về tiêu hóa, các năm trước thời điểm trước và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy… Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện 9 - 13 lần do xuất huyết tiêu hóa. Các bác sĩ khuyến cáo, rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm gan (biểu hiện tăng men gan), gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến xơ gan, rồi biến chứng hôn mê gan…

Để hạn chế những tác hại do rượu, bia gây ra, các bác sĩ kỳ vọng, những quy định trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ cải thiện, thay đổi lối sống, cách ứng xử và “văn hóa nhậu” của đại bộ phận người dân, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là hạn chế thiệt hại về vật chất hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm do các vấn đề liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là vào mỗi dịp lễ, Tết.

Hải Lý - Trần Thảo

Tin liên quan