Sửa chữa, nâng cấp mặt đường quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng: An toàn giao thông là yếu tố quyết định

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Quốc lộ 5 nối Thủ đô Hà Nội và TP Hải Phòng đã xuống cấp nghiêm trọng và vượt quá công suất thiết kế từ nhiều năm nay (đáp ứng lưu lượng xe là 22.000 phương tiện/ngày đêm, thực tế lưu hành đã gấp 3 lần). Do vậy, dự án chống xuống cấp có tổng mức đầu tư hơn 840 tỷ đồng được triển khai từ cuối 2021 đến cuối 2023 với kỳ vọng làm “sống lại” tuyến giao thông huyết mạch này.

Sua chua, nang cap mat duong quoc lo 5 Ha Noi - Hai Phong: An toan giao thong la yeu to quyet dinh - Hinh anh 1
 Hơn 20 năm qua quốc lộ 5 chưa một lần được đại tu.

Vừa thi công, vừa đảm bảo giao thông

 Kể từ khi đưa vào khai thác vào những năm đầu thập niên 90 thế kỷ 20, tuyến đường này chưa từng một lần được sửa chữa trung, đại tu nên càng ách tắc, gây bức xúc trong dư luận người tham gia giao thông. Vì vậy, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Tổng Cty Hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) đã triển khai dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 5, trong đó tập trung những đoạn xung yếu, xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn tuyến từ km46- đến km65 và một số nút giao thuộc khu vực tỉnh Hải Dương.

Được triển khai thi công từ cuối 2021 đến nay, một trong những yếu tố được Vidifi tập trung chú trọng là vừa tổ chức thi công, vừa đảm bảo giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến việc lưu thông các phương tiện. Theo đó, việc triển khai công trường tập trung chủ yếu vào ban đêm, giờ thấp điểm, cuối tuần, tránh các giờ cao điểm từ 6-8h sáng, 17h-19h30 là lúc xe container đi lại tăng đột biến, nhất là các khu vực giao cắt với các khu công nghiệp.

Mặt khác, tại các khu vực đường đã cào bóc, vỉa được chỉnh trang luôn có biển báo, tín hiệu giao thông hạn chế tốc độ, cảnh báo nguy hiểm, có nhân sự điều tiết giao thông. "Vidifi rất ý thức việc thi công phải đảm bảo an toàn, giữ cho giao thông thông suốt, nên đã xây dựng phương án cụ thể, chấp thuận cho từng đoạn thi công đối với mỗi nhà thầu vào từng thời điểm hợp lý để tránh ùn tắc như giới hạn chiều dài thi công dưới 300 m/lần, thi công lệch làn giữa các đoạn với các đơn vị nhà thầu khác nhau", ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Ban QLDA Sửa chữa đường 5 cho biết.

Sẽ hoàn thành đúng tiến độ

 Cùng với việc lựa chọn các nhà thầu thi công là những DN có kinh nghiệm chuyên ngành thi công sửa chữa, bảo trì các quốc lộ, lập biện pháp tổ chức thi công chi tiết trình Tổng Cục đường bộ và các cơ quan chức năng cấp phép, chấp thuận trước khi triển khai trên công trường nên đến nay, dự án đã thực hiện xong việc thảm và bóc vỉa 8/19 km mặt đường, đạt tiến độ 50% và sẽ hoàn tất đúng thời hạn hợp đồng vào tháng 12/2022.

"Đó là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của các nhà thầu trong điều kiện thi công rất ngặt nghèo: Lưu lượng phương tiện giao thông lớn, giá nguyên vật liệu tăng nhiều lần so với thời điểm đấu thầu, phải áp dụng bảo hành 5 năm, đặc biệt là việc thi công tại các cầu lớn như: Phú Lương, Lai Vu, Đồng Niên. Điều này sẽ tạo các yếu tố thuận lợi để đầu năm 2023 sẽ triển khai cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến từ km65- đến km76, hoàn thành dự án mang tính cấp bách này vào cuối năm 2023 theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải", ông Việt khẳng định.

Vidifi đề nghị Tổng Cục đường bộ, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương, các cơ quan truyền thông chỉ đạo, có giải pháp cần thiết và định hướng tuyên truyền để các phương tiện tham gia giao thông biết, có phương án lưu thông phù hợp theo tuyến Hà Nội Hải Dương và ngược lại vào các giờ cao điểm nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trong quá trình sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 5.

HUY HOÀNG/KTĐT

Tin liên quan