Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ

THỂ NY
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định số 965/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030".

Tang cuong ung dung cong nghe thong tin va chuyen doi so trong linh vuc duong bo - Hinh anh 1
Ảnh minh họa 

Theo Quyết định, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ phải thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình Chuyển đổi số quốc gia và phải tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử và chương trình Chuyển đổi số Bộ GTVT; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Cục Đường bộ Việt Nam (Cục ĐBVN).

Ứng dụng toàn diện CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm  trung tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đường bộ từ trung ương đến địa phương nhằm duy trì, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, bền vững; quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe để đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Bộ GTVT yêu cầu các nhiệm vụ của Đề án được xây dựng phải có tính tổng thể, được triển khai theo lộ trình, kế thừa cơ sở dữ liệu (CSDL) và hạ tầng CNTT hiện có. Có thể sử dụng, khai thác dữ liệu để thực hiện phân tích dự báo, tạo lập số liệu để hỗ trợ cho các quyết định chính sách và phục vụ công tác quản lý, điều hành của Cục ĐBVN và các Sở GTVT.

Theo Đề án, đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực đường bộ đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục ĐBVN được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ GTVT; tối thiểu 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân và doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa.

Đối với các hoạt động quản lý chuyên ngành sẽ hình thành các CSDL tập trung, thống nhất trong toàn quốc để hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc ra các quyết định chính sách, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực quản lý đường bộ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; chia sẻ, kết nối và liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương để phục vụ công tác quản lý nhà nước.

100% dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Trung ương quản lý được thu thập và cập nhật vào CSDL để phục vụ công tác theo dõi, thống kê, xây dựng chính sách, lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư công, phê duyệt dự án bảo trì; phấn đấu 100% hồ sơ hoàn công trong xây dựng, sửa chữa được cập nhật và số hoá; tối thiểu 10% khối lượng kế hoạch bảo trì được lập tự động thông qua CSDL trên hệ thống.

Cơ bản hoàn thành kết nối CSDL kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do địa phương quản lý (đối với các địa phương đã sẵn sàng) phục vụ công tác thống kê, xây dựng chính sách, lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Hoàn chỉnh các hệ thống CNTT quản lý hoạt động vận tải phục vụ công tác quản lý nhà nước, tự động tổng hợp các lỗi vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải, xe kinh doanh vận tải, lái xe để hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của doanh nghiệp, phương tiện, người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải.

Hình thành CSDL chuyên ngành về vận tải đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ gồm: đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, phương tiện và lái xe kinh doanh vận tải để phục vụ công tác xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hoạt động vận tải đường bộ an toàn, tin cậy và thân thiện với môi trường.

Hoàn chỉnh các hệ thống CNTT quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) để quản lý cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trong việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp, đổi GPLX, đảm bảo công khai, minh bạch, chống gian lận, tiêu cực.

Hình thành CSDL chuyên ngành về đào tạo, sát hạch cấp, đổi GPLX để quản lý thống nhất trong toàn quốc; chia sẻ, kết nối dữ liệu GPLX với CSDL quốc gia về dân cư để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình cấp, đổi GPLX và tham gia giao thông.

Mục tiêu đến năm 2030, các hoạt động quản lý, điều hành của Cục ĐBVN được chuyển đổi số một cách toàn diện để có thể triển khai vận hành chủ yếu trên môi trường trực tuyến. Tự động hóa được các công tác liên quan đến kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp, phương tiện và người lái xe tham gia kinh doanh vận tải; cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, học viên học lái xe thông qua các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng CNTT; lập kế hoạch quản lý bảo trì, sửa chữa các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Hệ thống giao thông thông minh được triển khai trên hệ thống đường bộ cao tốc và các đô thị, có sự kết nối với các lĩnh vực khác; tiến tới không sử dụng tiền mặt trong giao dịch hoạt động giao thông đường bộ; 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ.

Tin liên quan