Thấy gì từ việc Bộ Giao thông Vận tải “nhắc” 3 địa phương về tiến độ thu phí không dừng?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - 3 địa phương vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị thúc tiến độ dự án thu phí không dừng là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Thái Bình.

Trước khi lên tiếng thúc tiến độ dự án thu phí không dừng ở 3 tỉnh, TP trên thì Bộ GTVT lại có đề xuất Chính phủ không thực hiện dự án này ở nhiều trạm thu phí do cơ quan này quản lý.
Ba tỉnh, thành phố bị “điểm mặt, gọi tên”
Trong văn bản gửi 3 địa phương trên, Bộ GTVT cho biết, hiện cơ bản tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc đã và đang đồng loạt triển khai thực hiện thu phí điện tử không dừng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trạm thu phí gồm trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh (TP Hồ Chí Minh), trạm thu phí ĐT768 (tỉnh Đồng Nai) và trạm thu phí QL39B (tỉnh Thái Bình) vẫn còn chậm tiến độ so với yêu cầu. Những trạm này đều do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai.
Do đó, để đảm bảo tiến độ dự án thu phí không dừng đúng kế hoạch đề ra, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai, Thái Bình và TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt tại các trạm chậm tiến độ nêu trên.
Bộ GTVT cũng nhấn mạnh, các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ và mọi vấn đề có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.
Nếu đến 31/12/2020 mà các trạm thu phí chưa chuyển sang thu phí điện tử không dừng thì UBND các tỉnh, TP căn căn quy định tại Quyết định số 19/2020 để xem xét thực hiện theo thẩm quyền.
Với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu phối hợp, hỗ trợ UBND các tỉnh, thành phố và các nhà cung cấp dịch vụ thu phí trong quá trình triển khai, đảm bảo tiến độ, đồng bộ, kết nối liên thông với hệ thống thu phí điện tử không dừng do Bộ GTVT đang triển khai.
Nhiều trạm thu phí được kiến nghị “miễn” triển khai
Trong một diễn biến liên quan đến tiến độ triển khai thu phí không dừng tại các trạm do Bộ GTVT quản lý, vừa qua cơ quan này vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai thu phí không dừng tại 8 dự án BOT.
Trong đó, 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), 2 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng phương án bố trí vốn ngân sách hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Bờ Đậu - QL3 và trạm T2 - QL91) và 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm (3 trạm QL51).
Theo Bộ GTVT, việc triển khai thu phí không dừng tại 8 trạm thu phí nêu trên sẽ không hiệu quả, phá vỡ phương án tài chính dự án BOT và dự án thu phí điện tử không dừng, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Các dự án này nằm trên các tuyến có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống thu phí không dừng trên toàn quốc.
Riêng đối với 4 trạm thu phí do UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do UBND tỉnh Cà Mau có đề xuât  không triển khai thu phí không dừng do trạm thu phí ở các cầu có quy mô nhỏ, chủ yếu xe 2 bánh đi qua, lắp thu phí không dừng gặp nhiều khó khăn và không khả thi. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đề xuất này của UBND tỉnh Cà Mau.
Bộ GTVT đánh giá, về tổng thể đến 31/12/2020 cơ bản toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai sẽ được lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí không dừng đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng ngoại trừ 4 trạm do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, 8 trạm không đủ điều kiện triển khai và 4 trạm do UBND tỉnh Cà Mau đề xuất không triển khai.
Sẽ tạo tiền lệ xấu
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS. TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế cho rằng, dù Bộ GTVT đã đưa ra khẳng định rằng “về tổng thể đến 31/12/2020 cơ bản toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc đủ điều kiện triển khai sẽ được lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí không dừng” nhưng nếu đi sâu vào phân tích, vẫn đang còn khá nhiều trạm thu phí gặp vướng mắc trong quá trình triền khai dự án.
Điển hình nhất là 7 trạm thu phí Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng không triển khai thu phí không dừng. “Dù lý do Bộ GTVT đưa ra nghe có vẻ hợp lý là nếu triển khai thu phí không dừng ở các trạm thu phí này sẽ không hiệu quả, nhưng việc triển khai dự án phải đồng bộ và ở tất cả các dự án, trạm thu phí mới có hiệu quả” – PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.
Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, trong tất cả hệ thống các trạm thu phí, đương nhiên doanh thu và thời gian thu phí sẽ không giống nhau. Nếu vì doanh thu thấp hoặc thời gian thu phí còn lại ít mà không triển khai theo đúng dự án thu phí không dừng của Chính phủ là không hợp lý.
“Điều này sẽ tạo ra những tiền lệ xấu. Ai dám đảm bảo nếu các trạm doanh thu thấp được “miễn” triển khai thu phí không dừng theo đề nghị của Bộ GTVT thì thời gian tới sẽ không có thêm trạm khác sẽ xin “cơ chế riêng” này vì lý do tương tự” – Chuyên gia Ngô Trí Long nói và khẳng định, một trong những mục tiêu của thu phí không dừng là công khai hóa, minh bạch hóa doanh thu của các trạm thu phí, nên việc những trạm chưa triển khai đã mang doanh thu thấp ra xin không triển khai dự án là không hợp lý.

Cập nhập về tiến độ dự án thu phí không dừng, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, hệ thống thu phí không dừng giai đoạn 1 gồm 37 trạm thu phí lượt trên quốc lộ và 7 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc (gọi tắt là trạm thu phí) đã vận hành thu phí không dừng trên 40 trạm. Còn 4 trạm thu phí chưa triển khai thuộc 4 đường cao tốc do VEC quản lý chưa triển khai thu phí không dừng do những vướng mắc về nguồn vốn triển khai.

Đối với giai đoạn 2 của dự án gồm 33 trạm thu phí, hiện nhà đầu tư lắp đặt thu phí không dừng đã cam kết hoàn thành việc lắp đặt thiết bị thu phí không dừng tại toàn bộ 25 trạm thu phí đủ điều kiện triển khai.Ngoài ra, với 39 trạm thu phí do 16 địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các địa phương đều cam kết hoàn thành thu phí không dừng đúng tiến độ mà Thủ tướng chỉ đạo (không tính 4 trạm thu phí UBND tỉnh Cà Mau đề xuất không triển khai thu phí không dừng).

Quý Nguyễn

Tin liên quan