Thống nhất phương thức thực hiện Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành

MINH QUÂN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - UBND tỉnh Bình Phước vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án, phương thức thực hiện Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành.

Thong nhat phuong thuc thuc hien Du an duong cao toc TP Ho Chi Minh - Chon Thanh - Hinh anh 1
Thống nhất phương thức thực hiện Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành. 

Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước thống nhất cao với UBND tỉnh Bình Dương về việc kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép tách Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành thành 2 dự án độc lập.

Phương án này, theo UBND tỉnh Bình Phước, là nhằm huy động tốt hơn nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, đảm bảo dự án khả thi về phương án tài chính, thuận lợi trong thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho công tác đầu tư.

Tại công văn gửi Thủ tướng, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 7,1 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.474 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 314 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bình Phước thống nhất với UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị với Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn đầu tư công theo quy định.

Đồng thời giao trách nhiệm cho Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex Bình Phước thực hiện phần xây lắp từ nguồn vốn của doanh nghiệp (vì tuyến cao tốc này có 2,1/7,1 km đi qua khu công nghiệp do Công ty làm chủ đầu tư) nên cơ chế thực hiện phần xây lắp của doanh nghiệp sẽ nhanh hơn và giảm chi phi đầu tư công cho dự án.


Vào cuối tháng 5/2023, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi Thủ tướng kiến nghị phương án, phương thức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Chơn Thành.

Tại công văn này, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư Dự án, đoạn từ đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đến ranh tỉnh Bình Dương - Bình Phước dài 45,6km theo theo phương thức đầu tư công và phương thức đầu tư PPP.

Cụ thể, phần giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 7.388 tỷ đồng thực hiện theo phương thức đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh Bình Dương theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 (dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng theo phương thức đầu tư công); phần xây dựng công trình có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 8.808 tỷ đồng sẽ thực hiện theo phương thức đầu tư PPP.

Về phương án đầu tư, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị đối với đoạn từ vành đai 3 đến cầu Khánh Vân (dài khoảng 7,7km) sẽ giữ nguyên hiện trạng đã được đầu tư thuộc dự án ĐT.743 và ĐT.747B, tổng bề rộng nền từ 36m - 38m (giữ quy hoạch với lộ giới 60m).

Đoạn từ Cầu Khánh Vân đến Chơn Thành (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 45,6km, đoạn qua tỉnh Bình Phước dài khoảng 7,1km) sẽ giải phóng mặt bằng đảm bảo quy mô hoàn thiện cho tuyến với lộ giới 60m; đầu tư 4 làn xe cao tốc đầy đủ, có làn dừng khẩn cấp suốt tuyến (bố trí đoạn đường gom không liên tục, dài khoảng 9,15km).

UBND tỉnh Bình Dương cũng đề xuất Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Phước triển khai đầu tư đoạn qua địa bàn tỉnh (khoảng 7,1 km) bằng 1 dự án riêng theo phương thức đầu tư công, ngân sách trung ương hỗ trợ bố trí để đầu tư xây lắp và giải phóng mặt bằng đoạn này (sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.785 tỷ đồng; trong đó, giải phóng mặt bằng khoảng 400 tỷ đồng).

Tin liên quan