Thông tư 15/2020/TT-BGTVT và quy định tạm dừng thu phí đường bộ: Khó khả thi

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thông tư 5/2020/TT-BGTVT của Bộ GTVT vừa ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/9/2020 được đánh giá là văn bản có giá trị răn đe cao trong quản lý hoạt động thu phí khi “treo” hàng loạt hình phạt nghiêm khắc nếu xảy ra các vi phạm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ không dễ để thực hiện theo đúng những quy định này.

Sai phạm sẽ bị dừng thu phí
Một trong những nội dung của Thông tư 15/2020/TT-BGTVT nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận là quy định về các trường hợp dừng thu phí và giảm trừ thời gian thu phí. Cụ thể, Điều 9, Thông tư 15/2020/TT-BGTVT quy định một số trường hợp điển hình như DN dự án, nhà đầu tư... vi phạm chất lượng bảo trì công trình đường bộ, để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến đường, đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khắc phục hai lần bằng văn bản kèm theo thời hạn khắc phục nhưng không hoặc chậm khắc phục. Thời gian tạm dừng thu phí được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi DN dự án, nhà đầu tư khắc phục xong nhưng không ít hơn một ngày.
Thông tư 15/2020/TT-BGTVT cũng quy định, khi hệ thống công nghệ, thiết bị phục vụ trực tiếp cho việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ bị trục trặc, hư hỏng không được khắc phục kịp thời. Thời gian tạm dừng thu phí được tính từ thời điểm yêu cầu ghi trong văn bản tạm dừng cho đến khi DN dự án, nhà đầu tư khắc phục xong sự cố và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản cho phép thu phí trở lại.
Những quy định về các trường hợp dừng thu phí và giảm trừ thời gian thu phí trong Thông tư 15/2020/TT-BGTVT được các chuyên gia đánh giá cao về tính nghiêm khắc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, trong bối cảnh các dự án BOT giao thông vẫn còn rất nhiều bất cập chưa được giải quyết như hiện nay, để đưa những quy định đó vào thực hiện là điều không dễ dàng.
Cần đánh giá lại trước khi thi hành
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, vừa qua các dự án BOT có rất nhiều bất cập liên quan đến chất lượng công trình cũng như công tác quản lý thu phí. Điều đáng nói là những bất cập này chưa được khắc phục triệt để, trong khi DN vẫn tiếp tục được thu phí. Điều này dẫn tới nảy sinh mâu thuẫn giữa DN BOT với người sử dụng dịch vụ đường bộ. “Thông tư 15/2020 mà Bộ GTVT vừa ban hành hẳn nhằm mục đích khắc phục những bất cập đó. Về mặt nội dung, có thể nói Thông tư quy định tương đối chi tiết, chế tài nghiêm khắc đối với những sai phạm của nhà đầu tư” – PGS.TS Ngô Trí Long nhận định. Ông cho rằng, việc Bộ GTVT “nhắm” trực tiếp vào “hầu bao” của các DN BOT, thông qua chế tài buộc dừng thu phí hoặc giảm trừ thời gian thu phí, đối với những sai phạm của DN, là rất cao tay tuy nhiên tính khả thi không cao.
Theo phân tích của PGS.TS Ngô Trí Long, trong thời gian vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều cơ quan, đơn vị kêu gọi các DN BOT giảm phí để hỗ trợ người dân và các DN vận tải bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, hầu như lần nào Bộ GTVT cũng đều “bác” với lý do DN BOT cũng đang bị thiệt hại và có nguy cơ phá vỡ phương án tài chính. Cách xử lý của Bộ GTVT cũng chưa thật sự khách quan, dường như thường đứng về phía các DN BOT. Điều này, tạo cảm giác Bộ GTVT thiếu quyết tâm, quyết liệt, có phần né tránh khi đưa ra quyết sách nào đó liên quan đến quyền lợi của các DN BOT.
Từ những phân tích trên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, có những quy định, nghe rất chi tiết, cụ thể nhưng khi đi vào thực hiện mới bộc lộ thiếu khả thi. Muốn xác định tính khả thi của một chính sách, một quy định mới cần phải có sự kiểm chứng. Thậm chí có nhiều quy định, chỉ cần nghe người ta đã biết khó thực hiện. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, giám sát việc thực hiện các quy định của Thông tư 15/2020 của Bộ GTVT. “Thông tư 15/2020/TT-BGTVT đã ban hành rồi nhưng trong lúc chờ Thông tư có hiệu lực, Bộ GTVT cần kiểm tra xem lại xem điểm nào không khả thi hoặc tính khả thi không cao thì điều chỉnh cho phù hợp, tránh trường hợp khi những quy định này không được áp dụng sẽ dẫn đến dư luận nghi ngờ, cho rằng Bộ GTVT ban hành quy định mang tính hình thức” – PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.
Trong những dự án BOT giao thông hiện nay, không ít dự án không đúng chuẩn mực và nhằm mục tiêu không chia sẻ lợi ích với cộng đồng, mà chỉ vì lợi nhuận của bản thân DN.
PGS.TS Ngô Trí Long

Quý Nguyễn

Tin liên quan