Thu phí không dừng, bao giờ mới thật sự “về đích”?

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sau 7 năm triển khai, dự án thu phí không dừng vẫn ngổn ngang với nhiều vướng mắc, bất cập. Câu hỏi được đặt ra là đến bao giờ dự án này mới thật sự “dừng chân” ở “vạch đích”?

Thu phi khong dung, bao gio moi that su “ve dich”? - Hinh anh 1
Sau 7 năm triển khai, dự án thu phí không dừng vẫn còn nhiều ngổn ngang. 

Loay hoay tìm hướng đi

Tính từ năm 2015 khi bắt đầu được triển khai, đến nay sau 7 năm thực hiện, dù đã có 575 làn thu phí không dừng trong 118 trạm thu phí nhưng tổng quan mà nói, dự án thu phí không dừng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Kể cả khi giai đoạn 2 của dự án đã được tuyên bố “về đích” vào cuối tháng 12/2020 nhưng đến thời điểm này, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại và bất cập phát sinh liên quan đến thu phí không dừng chưa được khắc phục.

Một trong những bất cập lớn nhất xoay quanh việc dán thẻ ETC. Đến nay, xe dán thẻ ETC chiếm 60% phương tiện trên cả nước, tuy nhiên số này có tới 40% phương tiện chưa nạp tiền vào tài khoản giao thông hoặc trong tài khoản không đủ tiền. Với những xe tài khoản không đủ tiền, mỗi khi đi qua trạm thu phí cần barie không mở buộc tài xế phải trả tiền mặt. Ngoài ra, tại một số trạm thu phí vẫn còn tình trạng lỗi thiết bị. Thiết bị không đọc được khi xe dán thẻ ETC đi qua trạm thu phí, gây ùn tắc, bức xúc cho lái xe.

Mới đây nhất, trong văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty CP truyền thông số Việt Nam (VDTC) cho biết, từ ngày 30/4 đến ngày 2/5 đã có 700 xe đấu nối thẻ VETC dù trước đó đã đấu thẻ ePass. Vấn đề nằm ở chỗ, khi một xe dán 2 thẻ của cả ePass và VETC sẽ làm xung đột kỹ thuật, gây lỗi khi qua trạm do không nhận và đọc đúng thẻ. Việc này gây khó khăn cho công tác hậu kiểm.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng “đau đầu” không kém là việc dự án thu phí không dừng có 2 mô hình, mô hình do VETC đầu tư, vận hành tại thu phí và mô hình do nhà đầu tư BOT đầu tư sau kết nối dữ liệu vào trung tâm dữ liệu VETC. Hiện nay đang có tình trạng, thẻ của hai nhà cung cấp dán chặn lên nhau khiến cho thiết bị đọc thẻ tại các trạm thu phí liên tục gặp trục trặc vì không đọc hoặc đọc không đúng thẻ. Tình trạng nhà cung cấp dịch vụ ETC dán thẻ chồng lấn lên nhau ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu phí tự động không dừng. Nhà đầu tư BOT thực sự không biết phải xử lý thế nào trong tình huống này.

Các chuyên gia cho rằng, những bất cập trên đây nằm trong số nguyên nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của dự án thu phí không dừng. Trong đó, một nguyên nhân không nhỏ đến từ tiềm lực tài chính yếu kém của một trong hai nhà cung cấp dịch vụ là Công ty Thu phí tự động VETC. Dù là đơn vị thực hiện dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 với 35 trạm trên các tuyến QL nhưng do chi phí đầu tư lớn, doanh thu không đủ chi phí khiến phương án tài chính của dự án bị vỡ trong giai đoạn 2018 - 2020, ngân hàng dừng cấp tín dụng. Thậm chí, từng có thời điểm Công ty Thu phí tự động VETC đã đề nghị trả lại dự án cho Bộ GTVT.

Những khó khăn, bất cập này khiến cho việc dán thẻ ETC bị chậm. Sau 5 năm đầu triển khai, VETC chỉ dán được thẻ ETC cho hơn một triệu trong số 3,5 triệu xe trong cả nước. Đây chính là nguyên nhân khiến dự án thu phí không dừng tại các dự án BOT không phát huy được hiệu quả. Chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây (từ 2021) khi công ty mẹ của VETC đã đầu tư nguồn lực thì công tác dán thẻ ETC mới được đẩy mạnh hơn do đơn vị này tăng nhân lực, mở rộng công tác dán thẻ.

Thu phi khong dung, bao gio moi that su “ve dich”? - Hinh anh 2
Kết quả từ đợt triển khai thí điểm thu phí không dừng hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong thời gian sắp tới sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. 

Nhiều địa phương chậm triển khai bị “chỉ mặt, gọi tên”

Để thúc tiến độ triển khai thu phí không dừng, thời gian qua, Bộ GTVT liên tục có những động thái quyết liệt, yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các nhà đầu tư BOT và những địa phương liên quan tăng cường các biện pháp khắc phục lỗi trong thu phí không dừng và triển khai lắp đặt thiết bị thu phí không dừng tại các trạm thu phí trên cả nước.

Mới nhất, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng tăng cường các biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí không dừng tại các trạm BOT trên địa bàn. Trong văn bản trên, Bộ GTVT đề nghỉ lãnh đạo 4 tỉnh chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai lắp đặt các làn thu phí còn lại bảo đảm tại các trạm thu phí thuộc phạm vi quản lý, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy.

Bộ GTVT nhấn mạnh, UBND các tỉnh cần có chế tài xử lý các nhà đầu tư không hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đồng thời, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tiến độ và chất lượng trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Đối với đơn vị trực thuộc, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, đôn đốc, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng bảo đảm tiến độ, đồng bộ, kết nối liên thông.

Liên quan đến tiến độ triển khai thu phí không dừng trên cả nước, thống kê mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 4/2022, toàn quốc có hơn 2.500.000 phương tiện đã dán thẻ thu phí tự động không dừng, chiếm hơn 51% số lượng phương tiện. Số lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 60%.

Hiện nay, cả nước còn 106 làn thu phí thuộc 24 trạm thu phí cần lắp đặt thu phí không dừng (chưa kể 140 làn do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, để bảo đảm tại mỗi chiều xe chạy chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp). Trong đó, 48 làn thuộc 13 trạm do Bộ GTVT quản lý hiện đang triển khai lắp đặt các làn thu phí không dừng còn lại.

Đặc biệt, hiện còn tới 58 làn thu phí không dừng thuộc 11 trạm thu phí do địa phương như Quảng Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng quản lý, sẽ do UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm triển khai. Các trạm thu phí do các địa phương là cơ quan có thẩm quyền, theo Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện.

Trong tháng 6/2022, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ là tuyến cao tốc đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm thu phí không dừng toàn bộ. Kết quả thí điểm tại tuyến cao tốc này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng để Bộ GTVT và các đơn vị liên quan nhân rộng mô hình và tiến tới triển khai trên toàn quốc. Chỉ khi tất cả các hình thức thu phí thủ công được triệt tiêu, nhường chỗ cho thu phí không dừng thì khi đó, ý nghĩa và hiệu quả của dự án mới được phát huy tối đa.

 

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h