Thủ tướng thành lập Tổ công tác Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành

THANH TRUNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 18/4/2023 thành lập Tổ công tác Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Thu tuong thanh lap To cong tac Du an dau tu xay dung Cang hang khong Quoc te Long Thanh - Hinh anh 1
Thủ tướng thành lập Tổ công tác Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. 

Theo Quyết định, Tổ trưởng Tổ công tác là đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Các Phó Tổ trưởng gồm: Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (Tổ phó thường trực); đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Các Ủy viên gồm: Đồng chí Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ; đồng chí Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường; đồng chí Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng; đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh.

Tổ công tác là Tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm điểm các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, xử lý khó khăn vướng mắc, tháo gỡ cơ chế kịp thời, đảm bảo tiến độ Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai chỉ đạo thực hiện Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đảm bảo tiến độ chất lượng; thường xuyên theo dõi kiểm tra tình hình triển khai Dự án, chủ động và kịp thời hỗ trợ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các đơn vị liên quan thực hiện đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2020.


Hằng tháng Tổ công tác có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong chính sách để triển khai đầu tư, quản lý, khai thác Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do các đơn vị đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan thường trực Tổ công tác, sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Tổ công tác giao.

Dự án sân bay Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu dự án là xây dựng sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), là sân bay quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 2 và 3 tiếp tục làm thêm đường cất hạ cánh và nhà ga để khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16,03 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD).

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Diện tích đất của dự án là 5.000 ha, trong đó, diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha.

Dự án được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả.

Tin liên quan