Tuy nhiên, thực tế qua hơn 2 năm triển khai thí điểm cho thấy, các đơn vị liên quan còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là sớm khắc phục những bất cập để mô hình này đáp ứng nhu cầu của khách hàng, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
|
Ứng dụng iParking hỗ trợ người điều khiển phương tiện tìm điểm đỗ. |
Hiệu quả bước đầu...
Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình trông giữ xe iParking kể từ tháng 4-2017 tại hai tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư CIS chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ phần mềm giải pháp công nghệ và Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đảm nhiệm khâu vận hành.
Sau thời gian thử nghiệm, mô hình iParking đã thể hiện được ưu điểm vượt trội so với cách trông giữ xe thủ công. Trên cơ sở đó, tháng 7-2018, UBND thành phố đã cho phép nhân rộng tại nhiều tuyến phố trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Tây Hồ. Từ ban đầu chỉ có Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội triển khai, đã có 13 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trông giữ xe theo mô hình iParking.
Đánh giá về quá trình thí điểm, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho rằng, ứng dụng iParking giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động trông giữ phương tiện trên địa bàn, minh bạch về giá, hạn chế thất thoát; hỗ trợ người điều khiển phương tiện dễ dàng tìm chỗ đỗ. Đặc biệt, iParking góp phần tạo ra loại hình dịch vụ văn minh, là cơ sở dữ liệu để phục vụ cho việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh chung của thành phố. Kết quả từ khi thí điểm đến tháng 9-2019 cho thấy, doanh thu từ trông giữ phương tiện tăng 200%.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả bước đầu nói trên, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng nhận thấy mô hình này đã bộc lộ một số bất cập, như hệ thống phần mềm quản lý và thiết bị giám sát chưa kiểm soát được lượt xe ra - vào và thời gian đỗ xe tại các điểm trông giữ, để làm cơ sở đối chiếu doanh thu cũng như xử lý các trường hợp vi phạm không nhập xe gửi vào hệ thống, hoặc xe gửi quá giờ quy định; vẫn còn tình trạng nhân viên thanh toán hộ khách hàng (bằng tiền mặt), nên tiềm ẩn nguy cơ thất thoát...
Thực tế, sau thời gian thí điểm, ngày 23-1-2019, Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư CIS có văn bản báo cáo và được thành phố chấp thuận cho tạm dừng hoạt động trông giữ xe theo mô hình iParking do vướng mắc về cơ sở pháp lý giữa hai đơn vị, cũng như trong việc quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, ứng dụng phần mềm iParking đã kết nối với cổng thanh toán quốc gia (Napas), cho phép thanh toán bằng các loại thẻ ghi nợ quốc tế (Visa, Master), thẻ ghi nợ nội địa (ATM), internet banking và nhà mạng di động Viettel. Các nhà mạng khác như Vinaphone, MobiFone không thanh toán được vì chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép trung gian thanh toán không dùng tiền mặt.
Song, thực tế người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, trong khi việc thanh toán bằng tin nhắn di động (đầu số 9556) hay trục trặc. Ví dụ, ngày 16-11-2018, tại điểm trông giữ phương tiện 24-26 phố Trần Hưng Đạo, chủ xe mang biển kiểm soát 30E-419.95 đã phải nhắn tin nhiều lần tới đầu số 9556, nhưng hệ thống đều báo bận, yêu cầu khách hàng phải thao tác lại. Tình trạng này đã diễn ra khá phổ biến, nên sau đó, việc thanh toán qua đầu số 9556 phải dừng lại.
Nâng cấp hệ thống phần mềm
|
Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiểm tra điểm trông giữ xe theo mô hình iParking trên phố Triệu Việt Vương. Ảnh: Tuấn Khải |
Nhiều người dân đánh giá cao nỗ lực của thành phố nhằm xây dựng giao thông thông minh, trong đó có ứng dụng tìm kiếm chỗ đỗ xe và thanh toán dịch vụ qua mạng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Long (ngõ 93, phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ lo ngại: "Phần lớn người dân vẫn có thói quen dùng tiền mặt. Việc thanh toán qua tin nhắn hay trục trặc, trong khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng liệu có dẫn tới lộ thông tin về tài khoản? Đây là những vấn đề mà cơ quan quản lý và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải giải quyết để người dân yên tâm".
Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 700.000 ô tô, chưa kể xe ngoại tỉnh và xe của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Trong khi đó, tổng diện tích đỗ xe theo mô hình iParking của 13 doanh nghiệp mới chỉ khoảng 11.000 chỗ, đáp ứng được 1,5% nhu cầu. Nếu đơn vị chức năng có cách làm tốt, mô hình hoàn toàn có thể nhân rộng, thu hút nhiều người dân tham gia sử dụng dịch vụ.
Vừa qua, tập thể lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã họp, thống nhất chỉ đạo tiếp tục giao Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cùng Công ty cổ phần Đầu tư CIS tiếp tục thí điểm vận hành ứng dụng iParking từ ngày 1-10-2019. Hiện, hai đơn vị nói trên đã kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội gia hạn giấy phép tại 95 điểm trông giữ, đồng thời thực hiện các công tác chuẩn bị. Việc tiếp tục thí điểm nhằm mục tiêu giải quyết các bất cập hiện có cũng như kịp thời phát hiện các bất cập phát sinh để báo cáo cấp có thẩm quyền tìm giải pháp tháo gỡ.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, để mô hình này hoạt động hiệu quả, trước mắt, Sở tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các điểm trông giữ xe bằng ứng dụng iParking nói riêng và các điểm trông giữ xe nói chung nhằm bảo đảm an ninh trật tự. Về lâu dài, Sở kiến nghị thành phố yêu cầu đơn vị cung cấp phần mềm iParking nâng cấp hệ thống nhằm bảo đảm kiểm soát được lượng xe ra - vào điểm đỗ; yêu cầu các đơn vị trông giữ xe lắp đặt camera giám sát truyền dữ liệu về đơn vị quản lý phần mềm và cơ quan quản lý nhà nước để cùng giám sát hoạt động tại các điểm trông giữ xe nhằm bảo đảm tránh thất thoát.
"Ngoài ra, các sở, ngành, cùng các đơn vị liên quan, đặc biệt là Công ty cổ phần Đầu tư CIS cần sớm hoàn thiện các cơ sở pháp lý theo đúng quy định của pháp luật, làm cơ sở tổ chức thực hiện", ông Ngô Mạnh Tuấn nhấn mạnh.